Nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Đồng chí Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023 – 2030.
Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023 – 2030 (Ban Chỉ đạo).
Theo quyết định, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có 3 Phó Ban gồm các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo còn có 10 thành viên.
Ban Chỉ đạo có chức năng nhiệm vụ tổ chức phối hợp liên ngành giúp Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo việc xây dựng phương án tổng thể, đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri, họp HĐND các cấp ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; công tác bàn giao, tiếp nhận, chuyển đổi giấy tờ. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Về cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng con dấu của cơ quan mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và được hưởng chế độ theo quy định; được sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị để tham mưu, giúp việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và của các cơ quan Trung ương.
Trưởng Ban Chỉ đạo phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban ký Quyết định thành lập Ban Điều hành, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023 - 2030.
Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo chịu sự chỉ đạo và phân công nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ đạo; tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đảm bảo đời sống của người dân khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. (Ảnh: Thanh Nhân)
Ngày 17/7, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, giai đoạn 2023-2030, TP Hồ Chí Minh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (77 phường thuộc diện sắp xếp, 3 phường liền kề) và dự kiến giảm 39 phường sau khi sắp xếp.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian ngắn, đặc biệt trong giai đoạn 2023-2025 - thời điểm TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cùng nhiều chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, việc sắp xếp cũng tác động mạnh đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công việc trong thời gian đầu sau sắp xếp.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc sắp xếp sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Sau sắp xếp, công tác quản lý nhà nước được tăng cường; giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp và chi phí xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị ở nơi có sắp xếp.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc sắp xếp đảm bảo đúng quy định, theo hướng dẫn và phương án đã được Bộ Nội vụ thống nhất.
UBND Thành phố đang xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính bám sát theo phương án tổng thể nêu trên, tuy nhiên việc hoàn thiện đề án cần có thời gian để thực hiện. Hiện, Sở Nội vụ đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện quy trình đấu thầu xây dựng Đề án theo quy định.
Trường hợp khi có sự thay đổi lớn về nội dung so với phương án đã trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết, UBND Thành phố sẽ trình Thường trực HĐND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố trong kỳ họp gần nhất.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình tổ chức lập phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2030 đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt công sở, các chế độ, chính sách đặc thù… được các địa phương, đơn vị tuyên truyền, triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người dân.
Triển khai kế hoạch sắp xếp, UBND Thành phố xây dựng 38 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 quận (gồm quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận). Trong đó, có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thành lập phường mới./.