|
Ảnh minh họa: Thanh Sơn |
Ngày 14/11, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết tính đến hết ngày 1/11, kết quả thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 116.919 tỷ đồng, bằng 100,36% dự toán được giao (116.500 tỷ đồng), tương đương tăng 21,74% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, cục hải quan thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trước 2 tháng, sớm nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu, theo báo cáo của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa do đơn vị thực hiện sau 10 tháng năm 2022 đạt 117,9 tỷ đồng, tăng 14,4% (tương đương tăng 14,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 106,1 tỷ USD). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 54,5 tỷ USD, tăng 16,4% (tương đương tăng 7,7 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 63,3 tỷ USD, tăng 12,7% (tương đương tăng 7,1 tỷ USD).
Trong kỳ, toàn đơn vị đã áp dụng 178 chỉ số tiêu chí để thực hiện phân luồng đối với gần 2,8 triệu tờ khai hàng hóa với tỷ lệ phân luồng: 60,28% luồng xanh; 34,09% luồng vàng và 5,63% luồng đỏ. Trong đó, 2.881 hồ sơ vi phạm được thiết lập và 3.615 tờ khai vi phạm bị phát hiện, với 2.674 lượt tổ chức và 144 cá nhân vi phạm bị xử phạt.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được kết quả tích cực trên, ngay từ đầu năm Cục đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, từng phương án thích ứng, phù hợp nhằm tạo thuận lợi thương mại, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó nổi bật là tập trung cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hải quan; tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi thương mại.
Trong những tháng cuối năm, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan; tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá dấu hiệu nghi vấn, nhận định đúng, trúng các mặt hàng trọng điểm, tập trung các mặt hàng có rủi ro, doanh nghiệp lợi dụng chính sách mặt hàng, chính sách thuế, giá, phân loại.... Đặc biệt, tập trung chống gian lận xuất xứ đối với các mặt hàng ưu đãi đặc biệt thuế quan; áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính phủ; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu.../..