Giới thiệu ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Phát biểu tại buổi công bố ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân tiếp cận và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ứng dụng này ra đời là một trong những giải pháp giúp cho người dân tiếp cận với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thuận tiện nhất.
Hiện ứng dụng Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play store của hệ điều hành Android hoặc Apps store của hệ điều hành IOS, mọi người chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh tìm kiếm ứng dụng với từ khóa “phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, tải về và cài đặt. Trong hướng dẫn, chất thải hữu cơ dễ phân hủy bao gồm bã mía, bã trà, cà phê, bã trà túi lọc, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các thành phần thải bỏ của nguyên liệu thực phẩm, các loại vỏ hạt, hoa, cỏ… được cho vào túi màu xanh có dán nhãn trước khi chuyển cho đơn vị thu gom. Các loại thực phẩm này sẽ được xử lý thành phân compost.
Chất thải có khả năng tái chế gồm tạp chí, sách báo, giấy, đồ dùng bằng nhựa, các loại đồ vật bằng cao su, đồ kim loại, vỏ hộp giấy, đồ dùng bằng thủy tinh…. được phân loại và tái sử dụng, tái chế. Các chất thải còn lại được cho vào túi màu xám, được vận chuyển đến nơi xử lý để chôn lấp hoặc đốt.
Trong ứng dụng còn có video hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, có phần để người sử dụng gửi phản hồi, đóng góp ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và có thể chia sẻ rộng rãi ứng dụng trên mạng xã hội để nhiều người cùng biết và sử dụng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để phổ biến rộng rãi ứng dụng đến người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đến từng quận, huyện, từ đó sẽ phổ biến đến từng phường, xã, tổ dân phố, gia đình. Sở mong muốn nhận được nhiều thông tin đóng góp của người dân để tiếp tục hoàn thiện các nội dung trong ứng dụng theo hướng giúp người dân sử dụng dễ dàng và thuận tiện nhất, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát các công đoạn này, tạo sự chuyển biến thực sự của người dân đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc phổ biến cho người dân ở địa phương, đơn vị sẽ đóng góp ý kiến để Sở Phòng Tài nguyên và Môi trường nâng cao tính tương tác của ứng dụng, giúp cho việc áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao hơn./.