Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM” tổ chức ngày 7/11, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, TP đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học và khu vực doanh nghiệp, trên 90% nhiệm vụ khoa học - công nghệ xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, thời gian qua, Sở đã tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm để chế tạo thiết bị trong nước thay thế cho các thiết bị phải nhập khẩu với chất lượng tương đương nhưng chi phí chỉ bằng 30 - 70%. Từ năm 2016 đến nay, 116 đề tài, dự án đã được thực hiện với tổng kinh phí đầu tư là 204 tỉ đồng; trong đó, 95 sản phẩm thiết bị, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ của chương trình và đã chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất có chất lượng tương đương với nhập khẩu.
Hội thảo “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh” được UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với mục tiêu thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp) trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố gồm: cơ khí – tự động hóa; điện – điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế và nông nghiệp.
Phân tích hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu, ông Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được xem là mối liên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi. Với sự hợp tác này, nhà trường sẽ có thêm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu để kích thích các chương trình nghiên cứu.
Để phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, ông Lâm Quang Vinh đề xuất, thành phố cần tăng tốc phát triển kinh tế bằng khoa học - công nghệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua quá trình đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, vì nguồn lực tài chính có hạn nên trước mắt, thành phố xác định công nghệ và lựa chọn sản phẩm cụ thể để tập trung đầu tư.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng làm rõ những vấn đề về khó khăn trong việc hợp tác liên kết giữa các bên; phân tích nhu cầu về phát triển, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp; nhận định năng lực nghiên cứu của các tổ chức khoa học - công nghệ, các trường, viện nghiên cứu; các chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp…
Liên quan đến tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ba chương trình tín dụng tiêu biểu, hiệu quả hiện nay là Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng hình thức giảm lãi suất cho vay; Chương trình cho vay bình ổn thị trường với với mức lãi suất thực trả hợp lý và Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp – nông thôn. Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu để tham gia những chương trình này.
Các đơn vị ký kết hợp tác Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiện các doanh nghiệp đa số là vừa và nhỏ nên thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên môn trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay… Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất, thị trường, nguồn nhiên liệu đầu vào, địa điểm đầu tư... nên một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, việc liên kết “4 nhà” tại Thành phố đã hình thành nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Để kết nối phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố, các đơn vị cần chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động liên quan tới đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Trong đó, ngành chức năng cần tạo dựng cơ chế hợp tác giữa các bên hợp lý để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của “4 nhà” và xây dựng được mối liên kết bền vững, tiếp cận được nhiều nguồn lực cho sự phát triển, đổi mới sáng tạo./.