Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng trao bằng khen
cho các thành viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Duy Long)
Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng, cho rằng trong số hàng nghìn ca cấp cứu ngoại viện thời gian qua, đây là trường hợp đặc biệt. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim được kíp 115 cấp cứu kịp thời, bài bản, đưa đến cơ sở tuyến cuối điều trị thành công.
"Đây là điều rất đáng trân trọng", ông Dũng nói và thêm rằng biện pháp cấp cứu ngưng tim ngưng thở tại cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị thì không quá phức tạp. Tuy nhiên, cấp cứu ngoài bệnh viện, chỉ có một ê kíp nhỏ cùng trang thiết bị thuốc men giới hạn, đòi hỏi các y bác sĩ nỗ lực lớn, còn nước còn tát.
Theo lãnh đạo Sở, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bệnh nhân từ lúc khởi phát nhồi máu cơ tim đến khi được đưa đến viện trong vòng hai giờ đầu sẽ rất có ý nghĩa, đến viện càng sớm cơ hội được cứu sống và thoát di chứng càng cao. Nhân viên y tế càng chạy đua với thời gian để rút ngắn thời gian điều trị, tỷ lệ thành công càng cao.
Y sĩ Trương Chí Công, thành viên ê kíp cho biết ca cấp cứu kéo dài hơn 60 phút, phải ép tim liên tục khiến ai nấy đều rất mệt, nhưng cuối cùng cứu được người bệnh nên rất vui. Cuối tuần qua, khi được người nhà bệnh nhân báo tin ông hồi phục, ê kíp đã tranh thủ đến thăm và chúc mừng
Đầu tháng 10, Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh nhận cuộc gọi người đàn ông 58 tuổi, ngụ quận 11, đau ngực dữ dội, huyết áp tăng. Khi kíp cấp cứu đến hiện trường, bệnh nhân rơi vào hôn mê, ngưng tim. Sau gần 30 phút hồi sức tích cực, sốc điện 5 lần, y bác sĩ không bỏ cuộc, gọi về trung tâm xin chi viện thêm máy móc, thuốc và bình oxy.
Sau hơn 60 phút ép tim, bệnh nhân có nhịp tim và mạch đập trở lại, được đưa đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trên đường kíp cấp cứu vẫn liên tục bóp bóng trợ thở. Người bệnh vào viện được can thiệp kịp thời, hiện đã hồi phục. Tổng thời gian từ lúc tổng đài 115 nhận cuộc gọi báo cấp cứu đến lúc bệnh nhân được bàn giao cho bệnh viện là gần hai giờ.
Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh cảnh cấp cứu cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, kịp thời. Khi cơ tim bị hoại tử do thiếu máu cục bộ sẽ gây các biến chứng như phù phổi cấp, sốc tim, rối loạn nhịp, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như thận (suy thận), não (thiếu máu não)... Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất cảnh báo nhồi máu cơ tim. Những cơn đau ngực thường kéo dài trên 30 phút. Triệu chứng kèm theo thường gặp là khó thở, vã mồ hôi.
Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim là bệnh nhân đã từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, có những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như lớn tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi), thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, stress về thể chất và tinh thần./.