Sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nhà Bè (Nguồn: Báo SGGP)
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra những trận mưa với cường độ lớn. Mưa lớn, ngoài việc đối mặt với ngập lụt trên địa bàn Thành phố sẽ còn kéo theo tình trạng sạt lở bờ sông, rạch cuốn theo nhà cửa, tài sản và đe dọa tính mạng của người dân.
Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho hay, trên địa bàn thành phố có đến 40 vị trí có nguy cơ sạt lở. Trong đó, có 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và một vị trí bình thường, các điểm sạt lở này đang xảy ra trên các địa bàn quận 2, quận 7, quận 8, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn biến ngày càng phức tạp, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã yêu cầu các sở ngành, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện khẩn trương xử lý, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã đưa triển khai các dự án để thực hiện phòng chống sạt lở toàn khu vực Thành phố. Khi thực hiện những dự án này, chính quyền địa phương cũng thực hiện di dời người dân đến nơi ở an toàn. Theo đó, việc hỗ trợ di dời đối với các hộ gia đình, cá nhân mất cả nhà và đất ở phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng. Trường hợp di dời trong cùng quận, huyện, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di dời trong Thành phố hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di dời ra ngoài Thành phố hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, Thành phố cũng cho kiểm tra, khảo sát lại tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nhất là các vị trí đặc biệt nguy hiểm và đề xuất giải pháp xử lý, trong đó, tổ chức khảo sát trực tiếp 40 vị trí sạt lở, rà soát các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và tổ chức di dời dân, kiến nghị các giải pháp.v.v…, cùng với đó, các ngành chức năng và các địa phương có điểm sạt lở sớm đề xuất kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu, khoa học về diễn biến sạt lở trên địa bàn Thành phố để đảm bảo tính chủ động trong công tác phòng, chống sạt lở trong giai đoạn tiếp theo.
Để việc thi công công trình kè, đê chống sạt lở cũng như công tác phòng chống sạt lở tại những khu vực ngoại thành Thành phố được thuận lợi, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Khu quản lý đường thủy nội địa, thuộc Sở Giao thông Vận tải, Đội thanh tra đường thủy thuộc Thanh tra giao thông là những đơn vị thường xuyên tuần tra trên sông. Khi phát hiện đối tượng xâm phạm, lấn chiếm sông, kênh rạch, những đơn vị này phải xử lý ngay các vi phạm theo quy định. Để phòng chống nguy cơ sạt lở, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đã giao cho Khu quản lý đường thủy nội địa Thành phố phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở bờ sông và thường xuyên kiểm tra để cảnh báo khu vực xuất hiện dấu hiệu sạt lở.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch đến năm 2020. Các ngành chức năng và địa phương cũng đã tập trung đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm khẩn trương thi công hoàn thành dự án trong năm 2018.
Theo các nhà chuyên môn, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là một quá trình tất yếu vì con người sống hai bên bờ sông tác động vào dòng chảy. Cùng với đó, hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh làm lưu lượng dòng chảy mạnh hơn, gây xói mòn, tạo hàm ếch và lỗ hổng phía dưới lòng sông. Khi thủy triều lên cao rồi rút sâu đã tạo áp lực lớn lên hai bên bờ. Nhất là tại các khúc cong, dòng chảy đã tác động trực tiếp gây sạt lở mạnh. Ngoài ra, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tồn tại đã làm thu hẹp dòng chảy, gia tăng tải trọng tạo áp lực gây sạt lở./.