Lý do, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan Thi hành án, Thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.
Còn trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này như: Quy định đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ; số lượng tối đa nhân viên mỗi lần tham gia thực hiện đòi nợ đối với khách nợ; thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho Công an phường nơi tiến hành đòi nợ; đối tượng đòi nợ (khách nợ) đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ (tránh tình trạng không đòi trực tiếp với con nợ mà đòi qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân).
Theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh gửi Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn Thành phố, trong năm 2017, trên địa bàn Thành phố có 65 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đăng ký và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, với tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp trên 374 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND Thành phố, hiện nay, trong việc quản lý loại hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc công ty đăng ký kinh doanh tại các tỉnh, thành phố khác nhưng ủy quyền cho Văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh để thực hiện việc thu hồ nợ - đây cũng chính là một khó khăn trong công tác quản lý vì Văn phòng đại diện không quy định phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nên cơ quan Công an không quản lý được.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ) các Công ty này thường sử dụng nhiều chiêu trò, đe dọa, mang tính chất xã hội đen, trấn áp khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ, nhưng những hành vi như thế vẫn chưa cấu thành tội phạm vì chưa xảy ra hậu quả nên rất khó xử lý.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định cụ thể về đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ do đó khó xác định được nhân viên đòi nợ khi thực hiện hợp đồng đòi nợ./.