Cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020.
Chiều 12/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Trần Thị Bình Minh cho biết: Sau 2 năm triển khai Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế TP duy trì mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. TP đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp.
Nhờ đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế TP đã từng bước chuyển biến theo hướng tích cực, môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi, doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới; tăng quy mô và chất lượng nguồn lao động, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị từ 4,4% cuối năm 2016 xuống 3,95% năm 2017 góp phần đảm bảo an sinh xã hội TP.
Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đang được đẩy mạnh cùng với việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển đang tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, làm tăng cơ hội tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp được duy trì ổn định, liên kết và củng cố thị trường tiêu thụ, một số ngành công nghiệp phát huy được thế mạnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng yếu.
Cơ cấu các ngành công nghiệp và cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp có sự dịch chuyển tích cực theo hướng công nghiệp hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP.
Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế còn có những khó khăn, thách thức như môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn và lao động, việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, phát triển thị trường khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh còn chưa đạt so với kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 8,2% mỗi năm giai đoạn 2015 - 2017, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 8,1%/năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 không đạt so với kế hoạch đề ra, chưa rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với tổ chức và doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Trần Thị Bình Minh thông tin: TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng TP trở thành đô thị thông minh năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với các TP lớn của châu Á; triển khai đề án với 4 trụ cột gồm Trung tâm dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo và mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm an ninh mạng. Cùng với đó, triển khai tốt Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết số 08 của Thành ủy về triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Kế hoạch 8127 của UBND TP triển khai các nội dung, đề án triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, cần tập trung vào lực lượng thanh niên. Mặt khác, giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận với cơ chế chính sách của TP như chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình kích cầu thông qua đầu tư, chương trình bình ổn thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp./.