Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Một năm thành công
Trao đổi với báo chí đầu Xuân năm mới, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nhấn nổi bật trong bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh trong năm qua chính là hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá; đồng thời TP đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu đặt ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,78%; khu vực nông nghiệp tăng 6,01%. Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,4%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.
Năng suất lao động năm 2019 đạt 299,8 triệu đồng/người, tăng 6,82%, cao hơn so với năm 2018 (6,63%). Về đầu tư, trong năm 2019, TP có 44.004 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng (tăng 2,01% số lượng doanh nghiệp và tăng 10,35% về vốn đăng ký so cùng kỳ). Đối với đầu tư nước ngoài, trong năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được 8,3 tỷ đô-la Mỹ (tăng bằng 139,45% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018).
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, trong năm qua kim ngạch xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn TP tăng cao hơn so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp năm 2019 ước đạt 42,1 tỷ USD, tăng 10,7% so cùng kỳ.Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 51,4 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,8%).
Một điểm nhấn nữa là thu ngân sách vượt dự toán Trung ương giao. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP năm 2019 ước thực hiện đạt 4109.92395 tỷ đồng, đạt 102,78% dự toán, tăng 8,2939% so cùng kỳ.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến, tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa - xã hội, an toàn thực phẩm được quan tâm. Việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài có tiến bộ rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định.
Khắc phục trình trạng đùn đẩy trách nhiệm
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được trong năm 2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại của TP trong năm qua.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố mang tính rủi ro và bất ổn. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2018. Đa số các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp TP là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, quy mô cũng như chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu nên còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. Môi trường đầu tư kinh doanh dù được cải thiện đáng kể song vẫn tồn tại những hạn chế trong đó có những quy định pháp lý về đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp còn hạn chế.
Tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong công tác cải cách hành chính, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp ở các lĩnh vực và từng cơ quan quản lý Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong thực thi công vụ còn hạn chế, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới kéo dài thời gian xử lý hồ sơ. “Đây cũng là tồn tại lớn nhất hiện nay mà TP đang phải cố gắng xử lý trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu dự Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030” được tổ chức giữa năm 2019 (Ảnh:Việt Dũng)
7 nhóm giải pháp trọng tâm
Năm 2020 với Chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, TP quyết tâm triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong phát triển kinh tế, TP tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Thành phố cũng tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; Tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, TP sẽ triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu đề ra của năm nay.
Thứ nhất, tập trung thực hiện chủ đề năm với 9 nhiệm vụ giải pháp và nội dung cụ thể.
Thứ hai, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá theo kế hoạch 5 năm 2016-2020 và hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả nhiệm kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa năm 2020 đặt ra là 8,3-8,5%.
Thứ ba, TP triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành các đề án: Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và TP; Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh; Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính cả nước và khu vực; Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP; đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…Hiện nay, TP cũng đã có kiến nghị Chính phủ có quy chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Thứ tư, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa chính quyền TP với doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc …Sắp tới, TP sẽ hình thành Hội đồng phát triển ngành điện tử công nghệ thông tin, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật số của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; rà soát lại quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của giao thông TP.
Thứ sáu, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng các chương trình hợp tác chiến lược với các thành phố, địa phương ở các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn vào đầu tư tại TP.
Thứ bảy, thực hiện nghiêm việc tiếp công dân của người đứng đầu, giải quyết hiệu quả khiếu tại tố cáo từ cơ sở, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ khiếu nại tố cáo kéo dài.
Tại buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí đầu Xuân 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ về động lực để TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, được khái quát có 4 nhóm gồm: nguồn lực, động lực kinh tế, động lực chính trị và khâu đột phá về những lĩnh vực còn gặp tắc nghẽn.
Về việc chọn khâu đột phá, theo đồng chí Bí thư Thành ủy, trong từng giai đoạn nhiệm vụ đặt ra nhiều nhưng chúng ta phải biết, ở từng thời điểm thì khâu nào đang là khâu tắc nghẽn nhiều nhất để tập trung tháo gỡ đồng thời, phải chọn việc cụ thể khả thi và có tính phát triển.
Đồng chí cũng chỉ rõ một số nội dung cần phải “đột phá” đối với TP Hồ Chí Minh đó là: Đổi mới thể chế (cụ thể bằng 12 đầu việc) vì hiện nay vẫn còn có những tắc nghẽn và đổi mới thì mới tạo ra được động lực; đột phá về phát triển hạ tầng (cụ thể hóa bằng 12 nhóm giải pháp); phát triển nhân lực và văn hóa (cụ thể bằng 10 nhóm giải pháp). Đặc biệt, với TP là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, do đó cần tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực (gồm 10 chương trình nhỏ). Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây chính là một khâu có tính chất trọng điểm. |