|
Tại chương trình, ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tóm tắt kết quả 3 năm thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. (Ảnh: PV) |
Ngày 17/8, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn chuyên sâu “Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỉ tại Việt Nam”.
Tham dự khai mạc lớp tập huấn có ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN), đại diện Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Công ty PNJ) cùng 45 học viên là các thầy cô giáo, kỹ thuật viên can thiệp tại 30 trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỉ thuộc 13 tỉnh thành phố phía Nam.
Tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỉ tại Việt Nam là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Đây là dự án được ký kết thỏa thuận giữa Quỹ BTTEVN và Công ty PNJ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng do Công ty PNJ tài trợ thực hiện trong 5 năm (2019 – 2023).
Sau thành công của khóa tập huấn năm 2019, trong năm 2022, Quỹ BTTEVN tiếp tục tổ chức 02 lớp tập huấn chuyên sâu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho 100 giáo viên, kỹ thuật viên đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỉ tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỉ thuộc 33 tỉnh, thành phố, có đủ năng lực làm kỹ thuật viên nguồn nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm. Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn chính là các chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ ở Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.
Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về nghiên cứu và đánh giá rối loạn phổ tự kỉ; Quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỉ; Kỹ năng xã hội (giao tiếp, kết bạn và ứng xử); Phương pháp can thiệp dựa trên ABT - Can thiệp chơi đùa.
Mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.
PGS. Phạm Minh Mục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cũng cho thấy thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó, xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.
Từ thực tế đó, việc xây dựng trường học dành riêng cho trẻ được cha mẹ và nhiều nhà chuyên môn thực hiện, giúp các em có môi trường thuận lợi được can thiệp, được học tập, được vận động và vui chơi.Ở các tỉnh cũng bắt đầu hình thành nhiều cơ sở can thiệp đặc biệt, góp phần hạn chế những khó khăn về kinh tế cho gia đình, giúp các em có thể can thiệp và trị liệu lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.
Với những gia đình có điều kiện, việc can thiệp và trị liệu cho con sẽ được diễn ra lâu dài và bền vững hơn, do đó việc trẻ tiến bộ, cải thiện hành vi và phát triển năng khiếu ở một vài lĩnh vực cho trẻ (hội họa, âm nhạc, hát, toán học...) đây là cơ hội giúp trẻ trở thành người có ích cho xã hội.
Còn với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế và thu nhập thấp, bố mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp, hay bố mẹ là những công chức bình thường thì việc cho con can thiệp trị liệu lâu dài sẽ là một gánh nặng về kinh tế.Chính vì vậy việc đảm bảo một liệu trình can thiệp bền vững, giảm thiểu hành vi, xây dựng và củng cố những tác động tích cực giúp trẻ tiến bộ là khó thực hiện, đôi khi ở những trẻ em này sẽ là sự phát triển thụt lùi, kèm với những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Điều đó là một bộ phận không nhỏ gây ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội./.