Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2010-2020); phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, được Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/11.
Tăng hơn 3 lần mức thu nhập của người dân
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP cho biết, qua 10 năm thực hiện Chương trình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia chủ động của người dân trong thực hiện Chương trình; bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm và lợi ích của Chương trình. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng khá. Nhận thức về kinh tế tập thể được củng cố, ứng dụng khoa học công nghệ có được những kết quả cụ thể, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các hoạt động lễ hội, truyền thống, lịch sử, văn hóa, thể thao, du lịch có nhiều chuyển biến tiến bộ theo xu thế xã hội hóa, tự quản trong nhân dân; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của Nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho TP phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo TP tham quan khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp
Cụ thể: năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2019 là 72,57%. TP đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại khu vực nông thôn, duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài 1.233,6 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. 100% hộ dân có điện sử dụng thường xuyên. Sửa chữa, xây mới thay thế và xây mới 190 trường học, kinh phí đầu tư 3.826,5 tỷ đồng. Tổng số trường công lập hiện có 277 trường, trong đó có 215/277 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 77,61%.
TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia. Đối với chuẩn nghèo TP được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo tại 5 huyện đến đầu năm 2019 (thu nhập bình quân từ <21 triệu đồng/người/năm trở xuống) là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện. Năng suất lao động năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, hiện nay, đạt trên 90 triệu đồng/người.
Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, huy động được 26.043 hộ dân hiến 2.972.304 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đánh giá cao những thành tích mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, trong thời gian tới, để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025”, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch sau năm 2020 cho phù hợp. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới; ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp; nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn…
Tiến tới một nền kinh tế đô thị có nông nghiệp năng suất cao
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP, các ban, ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân.
Trong 10 năm qua, phần vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt tới 73.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách chiếm 19%, vốn xã hội là 81%. Người nông dân cũng có đóng góp rất lớn, nhất là trong hiến đất làm đường, đây là điều rất quý giá.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao cờ thi đua của Chính phủ cho xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (Ảnh: Việt Dũng)
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy bày tỏ sự chưa hài lòng bởi dù năng suất lao động nông nghiệp của TP hiện nay đã tăng nhiều, song mới chỉ bằng 1/3 mức bình quân của toàn TP; số hộ tham gia hợp tác xã tính ra còn ít (cụ thể: 1.370 hộ tham gia hợp tác xã, chiếm 7,7% số hộ nông nghiệp TP).
“Bài toán đặt ra là làm thế nào để tiếp tục tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và để nông dân không nghèo nữa so với mức chung của TP?”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, trong 55 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có 47 xã đạt đầy đủ các tiêu chí, 7 xã đạt 18 tiêu chí, còn 2 xã mới đạt 15 tiêu chí. Thời gian tới, các địa phương cần triển khai tốt hơn nữa chương trình nông thôn mới, tập trung vào các tiêu chí về giao thông, giáo dục, trường lớp, cơ sở vật chất, tỉ lệ học sinh, môi trường và an toàn thực phẩm. Tinh thần chung là phải quyết liệt phấn đấu ngay trong năm 2020, toàn TP phải có 56/56 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa phương thức sản xuất hợp tác xã. Điều này sẽ giúp chủ động từ giống, sản xuất cho tới tiêu thụ bởi từ bài học thực tiễn cho thấy, sự liên kết, hỗ trợ nhau sẽ đem lại hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào việc tăng năng suất. “Chỉ khi nào chúng ta tăng được năng suất lao động, làm cho người dân giàu lên từ sản xuất nông nghiệp thì mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.
Với 5 huyện ngoại thành của TP, số lượng hộ dân làm nông nghiệp ngày càng giảm, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP cần đặt mục tiêu làm nông nghiệp năng suất cao, định hướng phát triển từ nông thôn sang đô thị văn minh.
“Như vậy, phải sửa đổi quy hoạch, không làm nông nghiệp ở nông thôn mà hướng tới quy hoạch đô thị có sản xuất nông nghiệp. Tiến tới một nền kinh tế đô thị có nông nghiệp mà phải là nông nghiệp năng suất cao, đặc biệt có thể hướng tới làm giống, hướng tới cây-con đặc thù”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, 3 tập thể và 1 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dân và cán bộ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 31 tập thể xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 55 tập thể và 16 cá nhân nhận Bằng khen của UBND TP.
Lãnh đạo TP tặng hoa cho các điển hình đã chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
Nông thôn mới - Chiếc đũa thần đánh thức huyện Nhà Bè Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Nhà Bè cho biết, cách đây 10 năm, trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, đường sá nhiều nơi còn lầy lội, trường học thiếu, bà con thiếu nước sạch dùng nhưng hiện nay, địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Kết quả ấn tượng nhất trong 10 năm qua, ở Nhà Bè đã kéo được đường nước khoảng 100 km phủ kín cho bà con, 100% bà con được sử dụng nước sạch. Kết nối hạ tầng đường giao thông khang trang hơn, với trên 1.000 tuyến đường, hẻm được bê tông hóa, nhựa hóa giúp kết nối các xã, kết nối tới trung tâm huyện.
Về tổ chức sản xuất, đã hình thành các tổ hợp tác xã với hơn 10 hợp tác xã được thành lập, giúp cho năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 1,4%, mặc dù diện tích nông nghiệp giảm đáng kể. Phát triển doanh nghiệp hiện tăng khoảng 4 lần với khoảng hơn 3.500 doanh nghiệp. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên, đến nay đạt khoảng 63,3 triệu đồng, tăng 4,3 lần so với 10 năm trước. Trong 10 năm qua, trên địa bàn cũng đã có khoảng 1.000 hộ dân tham gia hiến đất mở đường, với diện tích khoảng 10.000m2.
Từ những kết quả trên, bài học được rút ra chính là khi người dân là chủ thể tham gia nông thôn mới, người dân thụ hưởng và người dân đồng hành cùng chính quyền thì chương trình nông thôn mới sẽ thành công. Nếu không có chương trình nông thôn mới, Nhà Bè không được như hôm nay.
“Nông thôn mới như một chiếc đũa thần đánh thức mình dậy. Có nguồn lực đầu tư của Nhà nước kết hợp với nguồn lực trong dân, với sự chung tay của cộng đồng, Nhà Bè đã thật sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ”, đồng chí Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
|