Đoàn chủ tịch điều hành kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Các em cũng mong muốn thêm không gian, thời gian vui chơi giải trí, giảm tải học tập và quan tâm tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện hơn.

Quá tải trong học tập là vấn đề nhiều em đề cập, em Tấn Phát (quận 7) chia sẻ, thời gian qua người bạn thân của em (khác lớp) đã khá căng thẳng, luôn trong tình trạng mệt mỏi khi cô giáo giao quá nhiều bài tập về nhà khiến bạn không có thời gian để vui chơi.

Không những cần giảm tải chương trình học, các em còn mong muốn các tiết học sẽ trở nên sinh động, nhẹ nhàng hơn để học sinh dễ tiếp nhận bài học. Em Uyên My (quận 5) mong muốn, thay vì những tiết học chỉ đơn thuần giảng dạy theo cách truyền thống gây nhàm chán, thầy cô giáo có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để mỗi tiết đều thú vị và giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Đồng thời trong các bài giảng các thầy cô nên liên hệ với thực tế nhiều hơn, để việc học của các em không chỉ là để thi, mà giúp học sinh có thể ứng dụng hay rút ra bài học cho cuộc sống.

Quan tâm đến an toàn giao thông, em Yến Vy (quận 10) lo lắng khi ở nhiều quận, huyện vẫn còn những cây cầu đã xuống cấp gây mất an toàn khi lưu thông. Gần đây nhất vụ sập cầu ở huyện Nhà Bè gây hậu quả nghiêm trọng khiến người dân vô cùng lo lắng. Vì vậy, em Yến Vy mong muốn các ngành chức năng của Thành phố sớm khắc phục tình trạng này để người dân đi lại an tâm và an toàn.

Một thực trạng gây nhiều bức xúc cho những người tham gia giao thông được em Minh Thùy (quận 4) nêu, đó là việc nhiều người tham giao thông chạy lấn tuyến, nhất là xe 4 bánh lấn qua làn 2 bánh khiến cho tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn. Hàng ngày trên đường đến lớp em thường xuyên chứng kiến cảnh này nên em mong muốn các ngành chức năng có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Cũng bức xúc về vấn đề này, em Đoàn Lê Sơn (quận 5) cho rằng tình trạng kẹt xe một phần là do ý thức của người dân. Người tham gia giao thông không nhường nhau mà đi theo kiểu "trống chỗ nào là đi chỗ đó". Vì vậy, việc tuyên truyền không chỉ hướng tới đối tượng học sinh mà cần hướng tới những người lớn nhiều hơn để nâng cao ý thức mọi người dân khi tham gia giao thông.

Quan sát và nhận thấy công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường rất vất vả, em Kim Khánh (quận Tân Phú) nhận thấy việc người dân cũng như các bạn học sinh xả rác bừa bãi cần được nhanh chóng giải quyết. Em Khánh đề xuất các trường học nên tăng cường hoạt động học sinh tham gia quét dọn rác xung quanh khu vực cổng trường để giảm bớt công việc cho công nhân vệ sinh. Thông qua đó các bạn thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân vệ sinh, từ đó tự ý thức không xả rác bừa bãi.

Cùng với đó có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước tình trạng xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng lên trong thời gian qua; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các vấn đề được nêu lên trong kỳ họp này sẽ được Ban Tham vấn Hội đồng tập hợp và gửi đến các đơn vị liên quan giải quyết. Đồng thời mong muốn các em hãy là những quan sát viên giám sát việc thực hiện và kết quả giải quyết những vấn đề mà mình nêu lên; là một tuyên truyền viên tích cực tham gia giải quyết những vấn đề mà mình quan tâm.

Nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước ra mắt Hội đồng trẻ em (tháng 6/2017). Hội đồng trẻ em họp mỗi năm hai kỳ với từng chủ đề riêng. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội cũng triển khai thí điểm xây dựng mô hình Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh đến năm 2020./.

Thu Hoài/ TTXVN