Thông tin trên được bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế về tình hình bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/1.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu làm việc với ngành y tế TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống bệnh sởi.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018 đến tuần thứ 2 của năm 2019, toàn thành phố ghi nhận gần 2.000 ca mắc sởi. Trong đó, từ tháng 9/2018 bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2018 lên đến 300 - 400 ca mắc sởi mỗi tuần. Bệnh sởi cũng được ghi nhận tại 24 quận, huyện của thành phố nhưng tập trung nhiều ở các quận, huyện giáp ranh, nhiều khu công nghiệp như quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Thủ Đức…

Chỉ ra nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng nhanh, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong số 2.000 ca mắc sởi thì có đến 95% người chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi. Trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được tiêm ngừa sởi. Và đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến bệnh sởi gia tăng nhanh vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Dũng, khó khăn hiện nay là nhận thức của người dân. Nhiều phụ huynh không nhớ lịch tiêm nhắc của trẻ hoặc làm thất lạc sổ tiêm chủng. Thậm chí nhiều người từ chối không đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi với lý do đã tiêm trước đó và ba năm sau mới tiêm lại.

Bước vào những ngày đầu năm 2019, bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. “Giải pháp hiện nay mà chúng tôi đưa ra là tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa chích ngừa đủ mũi sởi trong độ tuổi từ 1- 5 tuổi trên toàn địa bàn, không kể thường trú hay tạm trú. Đặc biệt tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của phụ huynh về vấn đề tiêm ngừa bệnh sởi”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, trước mắt thành phố sẽ rà soát toàn bộ trẻ từ 1-5 tuổi tại các trường mầm non, mời phụ huynh đưa con em đến trạm y tế để thực hiện tiêm vét. Ngoài ra, thành phố cũng lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi đến khám bệnh tại ba Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và ba bệnh viện Nhi đồng trên địa bàn bởi đây là những địa điểm thu hút số lượng lớn trẻ đến khám bệnh mỗi ngày. Nếu thành công, thành phố sẽ mở rộng các điểm tiêm vắc xin sởi tại các bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện tư nhân.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu hỏi thăm bệnh nhân mắc sởi
 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định, bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung đang có những diễn biến bất thường, trong đó đáng chú ý là lỗ hổng tiêm chủng quá lớn. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tiêm ngừa vắc xin sởi khẩn cấp nhằm tránh lặp lại kịch bản sởi bùng phát thành dịch như năm 2014.

Về công tác điều trị, thành phố cần chủ động ứng phó với tình huống bệnh sởi sẽ bùng phát thành dịch, trong đó các bệnh viện lên kế hoạch tiếp đón nếu dịch bùng phát, đáp ứng tốt khả năng tiếp nhận để bệnh nhân không bị nhiễm chéo; không để bệnh nhân sởi lây cho bệnh nhân khác; cần bảo vệ nhân viên y tế trước dịch sởi đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản; đánh giá phân tích về tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó; tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế...

Trước đó, Đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi tại phường Tân Tạo A (Quận Bình Tân), một trong những địa phương có số lượng người mắc sởi cao nhất thành phố. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng kiểm tra công tác điều trị người mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 là hai bệnh viện đang điều trị số lượng lớn người mắc bệnh sởi của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam./. 

Tin, ảnh: Đinh Hằng/TTXVN