|
Ảnh minh họa: CM |
Ngày 9/6, tại khu vực miền Nam, nằm trong chương trình “Bồi dưỡng kiến thức giúp quản lý sàn và môi giới bất động sản vượt khó”, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) phối hợp với các đơn vị tổ chức talkshow với chủ đề “Môi giới Bất động sản và sứ mệnh vực dậy niềm tin thị trường bất động sản Việt Nam”.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2013, có 551 Doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1.2023, doanh thu của Doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng do Doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Nhiều Doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Thậm chí đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO..
Theo dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh. Trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm nhiều nhân sự. Có tới hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong khảo sát cho biết buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10% - 20%. Nếu tình hình thị trưởng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023. Khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Theo khảo sát của VARS, số lượng Môi giới BĐS hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn Môi giới BĐS phải nghỉ việc do thu nhập không đủ sống hoặc do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…
Có thể thấy, thị trường BĐS, Môi giới BĐS” trong suốt thời gian qua luôn duy trì ở mức “báo động” với các biểu hiện rõ rệt như: Thiếu nguồn cung dẫn đến Môi giới BĐS thiếu hàng hóa để hoạt động.
Năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018; Quý 1 năm 2023 hầu như thị trường không đón nhận nguồn cung mới.
Sụt giảm nguồn cầu, làm đứt gẫy tập khách hàng hiện hữu và tiềm năng của Môi giới BDS, thể hiện rõ ở những tình trạng: Sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ. Không đủ sức hấp dẫn với khách hàng; Lãi suất huy động cao, thu hút lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì đầu tư; Niềm tin vào thị trường BĐS của khách hàng ngày càng sụt giảm; Khó khăn trong việc vay vốn mua BĐS và lãi suất quá cao; Một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tinh hình kinh tế chung.
Sụt giảm giao dịch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy yếu sức khỏe của Môi giới. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trưởng năm 2022 đạt 17% so với lượng giao dịch của BDS năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ quý 1 năm 2023 đạt khoảng 11%. Mất thị trường truyền thống của các sản giao dịch và môi giới BĐS là các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt. Tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng là rất thấp.
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản đã trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước. Hiện nay, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nhà môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề cũng đang phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm… Tuy nhiên, trên 95% các môi giới bất động sản còn hoạt động cho biết, vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực gắn bó với nghề cho dù thị trường còn khó khăn.
Đứng trước những khó khăn của ngành Bất động sản nói chung và nghề Môi giới bất động sản nói riêng, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - VARs với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà môi giới, các sàn giao dịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong công cuộc “giải cứu, kích hoạt lại” thị trường bất động sản với việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ thị trường, hỗ trợ người hành nghề trên khắp cả nước.
Cùng với đó là các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu được VARs phối hợp cùng các cơ sở đào tạo uy tín, chuyên nghiệp liên tiếp tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với việc giảng dạy những kiến thức cả về lý luận và thực tiễn sẽ góp phần giúp cho Hội viên của VARs và những người làm nghề môi giới bất động sản trang bị những kỹ năng cần thiết, nâng cao trình độ để ngày một chuyên nghiệp hơn, phòng ngừa rủi ro, vượt qua những thách thức trong thời kỳ khó. Qua đó, duy trì, phát triển kinh doanh, gắn bó lâu dài với nghề môi giới bất động sản Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua, mặc dù tự thân các Doanh nghiệp BĐS, Môi giới BĐS đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để có thể tồn tại và thoát khỏi trạng thái khó khăn. Từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất sát sao, cố gắng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ cho thị trường BĐS. Thể hiện ở việc ban hành hàng loạt các chính sách như: Nghị định 08/2023/ NĐ- CP; Nghị quyết 33/ NQ- CP; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 10/2023/ NĐ- CP…
TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã huy động toàn bộ các nguồn lực với mức độ tập trung cao, để có thể chung tay, góp sức. Một mặt động viên, khích lệ tinh thần các cá nhân, doanh nghiệp BĐS. Một mặt tăng cường cập nhật sát sao tình hình thị trường, phân tích, đánh giá các vấn đề phát sinh. Từ đó đưa ra dự báo kịp thời và các giải pháp cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Mặt khác, Hội cũng đã chuyên tâm phân tích, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận với nhiều chuyên gia trong mọi lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật để đưa ra các nhóm giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm sớm kích hoạt thị trường./.