Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Thành phố nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Cụ thể, như nhiệt độ, lượng mưa, mực nước đều có hiện tượng tăng cao bất thường và xu thế tăng nhanh; nhiệt độ tăng trên khu vực các huyện ngoại thành là 0,3°C, trong khu vực nội thành là 0,4°C, tại trung tâm đô thị là 0,5°C.
Ngành nông nghiệp của TP.Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vì đặc thù các ngành sản xuất nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi gắn chặt với các yếu tố tự nhiên và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố tự nhiên. Hậu quả từ tác động của biến đổi khí hậu dễ thấy nhất ở TP.Hồ Chí Minh là diện tích đất nông nghiệp bị giảm do nước biển dâng và dự báo nếu nước biển dâng 100cm thì Thành phố này có khoảng 20% diện tích bị ngập. Trong đó, các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Triển lãm giới thiệu sản xuất rau sạch theo công nghệ cao ở TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)
Trước tình hình đó, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung nhiệm vụ chủ yếu như phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các tỉnh thành nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới, khép kín, sử dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên (nước, đất,..), giảm tiêu thụ năng lượng và giảm chất thải, thân thiện với môi trường.
Đồng thời nâng cấp, cải thiện chuồng trại chăn nuôi, trang bị hệ thống làm mát đảm bảo thông thoáng, nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp, điều chỉnh mật độ chăn nuôi cho phù hợp, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh. Nghiên cứu, lựa chọn mô hình thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải nông thôn phù hợp như Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng hầm biogas, vật liệu composite theo kiểu dáng thiết kế mới, khử được mùi khí gas.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Trong đó đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn tư vấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về biến đổi khí hậu, thiên tai. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã phát hành hàng chục nghìn bộ tài liệu tuyên truyền bao gồm quạt nhựa, tờ rơi, poster tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho người dân có hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cũng thực hiện lồng ghép công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động chuyên ngành. Cụ thể, như đề tài nghiên cứu giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất muối của diêm dân huyện Cần Giờ. Dự án đã triển khai các mô hình thu trữ nước chát trong quá trình sản xuất muối nhằm hạn chế lệ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết, đặc biệt là những cơn mưa trái mùa, tăng năng suất, giảm thời gian kết tinh muối khi gặp mưa trái mùa. Về đề án trồng rừng và cây xanh, đến nay đã trồng được gần 6.000 cây xanh, góp phần tăng cường mảng xanh của thành phố, giảm thiểu khí nhà kính và thời gian qua không để cháy trong diện tích quy hoạch 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhằm mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sự phát triển bền vững các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn, phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nước biển dâng; đồng thời tạo ra cơ hội phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, nông thôn… trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tất cả đối tượng về biến đổi khí hậu. Chú trọng đến việc đảm bảo sản xuất nông nghiệp đô thị ổn định, phù hợp quy hoạch tổng thể, ít phát thải, tập trung cho an toàn hệ thống đê điều, phát huy hiệu quả hệ thống các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.