Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè được đầu tư làm sạch nguồn nước
trở thành hệ thống kênh đẹp nhất TP.Hồ Chí Minh hiện nay (Ảnh: K.V)

Theo dự thảo Đề án, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được đề xuất như sau: đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm, áp dụng mức thu phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm (theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ - CP). Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng; trong đó cách tính hệ số K là lưu lượng xả thải (m3/ngày đêm) chia cho 5. Đối với các cơ sở không có đồng hồ đo lượng nước thải thì lượng nước thải được xác định dựa trên kết quả đo đạc thực tế của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc được tính bằng 80% lượng nước sử dụng hoặc thông tin trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 

Đề án cũng đề xuất bổ sung một số ngành nghề thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường gồm: Nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh (số lượng 523 cơ sở, tổng lưu lượng 22.262m3/ngày/đêm); nước thải phát sinh từ quá trình xử lý chất thải rắn, từ các bãi chôn lấp rác thải (lưu lượng phát sinh khoảng 7.883m3/ngày/đêm).

Theo tính toán, với mức thu dự kiến theo phương án đề xuất, sẽ có khoảng 3.310 cơ sở phải thu phí; tổng lượng nước của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m3/ngày/đêm (bao gồm cả đối tượng là cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở xử lý chất thải rắn). Trường hợp thực hiện thu phí theo phương án đề xuất như trên, tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp dự kiến thu được khoảng 60 tỷ đồng/năm. 

Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng xả thải trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định; việc điều chỉnh mức phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất điều tiết xả thải ra ngoài môi trường. Được biết, hiện nay đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm đều đóng cùng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm.

Đồng thời, việc điều chỉnh mức phí còn bổ sung một phần kinh phí cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Khi tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như đề xuất trên sẽ có tác động một phần đến đời sống xã hội như khi bổ sung đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp gồm nước thải y tế phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở xử lý chất thải rắn có thể làm tăng phí của các dịch vụ y tế, xử lý chất thải tác động đến người dân; việc tăng mức phí sẽ tác động trực tiếp đến các đối tượng nộp phí.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ một phần tác động đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức có liên quan. Việc tác động từ đề án này tập trung chủ yếu vào một số cơ sở có mức xả thải lớn.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải, khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Nguồn kinh phí tăng từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó tăng chất lượng sống của người dân./.

K.V