Con người là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển
Địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; có 2.283 trường từ bậc Mầm non đến Trung học Phổ thông với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên. Thành phố có hơn 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN)
Đánh giá chung về đào tạo nhân lực quốc tế tại thành phố, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, có tính thực tiễn và được các tổ chức quốc tế công nhận. Chất lượng sinh viên đầu vào cao, sinh viên tốt nghiệp được xã hội đánh giá cao, đặc biệt là về chuẩn tiếng Anh đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, số chương trình liên kết được triển khai còn ít, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường đại học; chưa xây dựng được cơ chế thu hút và phát huy năng lực đội ngũ; nguồn lực đầu tư cũng còn hạn chế. Mặt khác, thành phố chưa có chính sách, quy định đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trường công lập. Thực tế, do chưa có một khuôn khổ định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục đại học, hầu hết các trường đều tự tìm tòi trong quá trình thực hiện; từ việc liên kết đào tạo quốc tế, xây dựng chiến lược kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế, đến trao đổi sinh viên và giảng viên, xây dựng chương trình tiên tiến có yếu tố quốc tế…
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, hiện năng suất lao động của thành phố đang gấp gần 3 lần bình quân cả nước; trong khi dân số thành phố chiếm 10%, nhưng đóng góp GRDP gần 25% cả nước. Để tiếp tục giữ vai trò trung tâm, thành phố phải đi đầu về chất lượng nhân lực, có như thế mới đi đầu về kinh tế. Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo phải chú trọng việc tạo ra nền tảng tốt để nhân lực có thể thích ứng lâu dài và tinh thần học tập suốt đời cũng cần được quan tâm hơn.
Dựa vào chỉ tiêu năng suất lao động thấp, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng lao động Việt Nam thấp. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá này chưa thực sự đầy đủ, bởi cùng với lao động, năng suất còn phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ. Thực tế, Việt Nam có nền tảng đào tạo tốt, nhân lực có khả năng tiếp thu. Lao động là tiền đề cho năng suất cao nhưng không phải tất cả. Muốn năng suất cao cùng với yêu cầu về lao động tốt, cần đầu tư công nghệ mới. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho thiết bị, công nghệ của nước ta còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân với các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN)
“Mỗi quốc gia muốn phát triển mạnh mẽ, bền vững cần phải đảm bảo các nguồn lực lớn về tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học công nghệ và con người, trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá của thành phố nhằm đưa thành phố không những phát triển nhanh, bền vững”, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Quốc tế hóa giáo dục
Ở góc độ đơn vị đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay. Trong đó, ở cấp độ Nhà nước, cần có một chính sách chiến lược quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học, đi cùng đó là hệ thống giám sát và đo lường hiệu quả hoạt động này. Ở cấp độ cơ sở giáo dục đại học, cần chủ động nâng cao năng lực quản trị đại học; thay đổi phương thức giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học, cung cấp cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đặt ra 3 vấn đề cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo, đó là phải đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế, đáp ứng sự thay đổi và sự phát triển. Cùng với sự chủ động của các đơn vị đào tạo trong công tác từ đảm bảo chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, với quan điểm, giáo dục theo định hướng thị trường, thành phố cũng là đối tượng khách hàng sử dụng nhân lực, vì vậy thành phố nên có cơ chế toàn diện để đặt hàng các đơn vị đào tạo.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN)
Đề cập về định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có chương trình hành động cụ thể về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, ở một số lĩnh vực chọn lọc. Trong đó, có thể tập trung ở một số lĩnh vực mà thành phố cần nhân lực trình độ quốc tế, như: Công nghệ và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; du lịch.
Để thực hiện chương trình này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gợi ý một số giải pháp: UBND Thành phố nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài; có cơ chế tài chính, hỗ trợ người học trường chất lượng cao; có chương trình cho vay kích cầu cho các trường có định hướng đào tạo trình độ quốc tế.
Cùng với đó, thành phố phát triển mạnh mẽ hợp tác công tư theo 7 nhóm lĩnh vực, tùy theo nhu cầu của từng trường có thể tham gia: Nhóm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ; nhóm hợp tác đào tạo giáo viên; nhóm triển khai các môn học và chương trình trình độ quốc tế; nhóm kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao trình độ quản lý của nhà trường; hình thành và triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; nhận chuyển giao công nghệ mới và phát triển sản phẩm mới./.