Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh cho một em bé bị rối loạn tiêu hóa. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)


Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khích lệ như: đạt mục tiêu đề ra 20 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2020 (năm 2016 chỉ có 16 bác sỹ), 35 điều dưỡng/10.000 dân (năm 2016 chỉ có 33 điều dưỡng), 319/319 trạm y tế có 2 bác sỹ, 319/319 trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Bên cạnh đó, 100% nhân viên y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao thái độ phục vụ.

 Ngoài ra, từ năm 2016-2019, số cán bộ, công chức, viên chức y tế có trình độ sau đại học tăng từ 6.385 lên 6.835, số có trình độ quốc tế tăng từ 63 lên 95 người. Số bác sỹ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 năm 2010 lên 7.164 người năm 2019, trong đó 304 tiến sỹ (chiếm 4,25%); 1.157 chuyên khoa II (chiếm 16,15%); 2.164 thạc sỹ (chiếm 30,20%); 3.539 chuyên khoa cấp I (chiếm 49,40%). "100% cán bộ, công chức, viên chức y tế được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn đối với từng loại chức danh theo quy định, đã trực tiếp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, kéo giảm tình trạng quá tải bệnh viện, nhiều bệnh viện quận, huyện khởi sắc, thu hút đông người dân đến khám, chữa bệnh", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

 Đặc biệt, công tác đào tạo liên tục đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Y tế tiếp thu kiến thức mới tại các nước tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao thành công và ứng dụng có hiệu quả tại các cơ sở y tế của Thành phố và các tỉnh phía Nam như: ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học; nghiên cứu triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bệnh nhân tay chân miệng có suy đa tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 1; kỹ thuật thông tim, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật mắt phaco, cấy điện ốc tai... Một số chương trình đào tạo y tế của Thành phố cũng được quan tâm đầu tư tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế khi xu hướng dịch chuyển lao động tự do trong nội khối ASEAN ngày càng gia tăng.

 Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của thành phố giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn 2021-2026, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu như: 21 bác sỹ/10.000 dân; 40 điều dưỡng/10.000 dân, 100% cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao thái độ phục vụ.../.

Đinh Hằng/TTXVN