Đó là các mục tiêu chính được đưa ra tại Hội nghị tiếp xúc và trao đổi lần 1 năm 2019 chủ đề Môi trường và cuộc sống giữa Hội đồng nhân dân và cử tri Quận 12 với sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/4.
Quang cảnh Hội nghị
Là địa phương vùng ven với nhiều kênh, rạch, Quận 12 gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng xả rác ra đường, kênh, rạch cũng như kiện toàn hoạt động của số lượng lớn đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn. Theo phản ánh của cử tri Vũ Ngọc Dũng, phường Thạnh Xuân, tình trạng người dân xả rác ra đường, kênh, rạch vẫn còn nhiều, nhất là người dân ở địa phương khác đến làm việc khiến nhiều tuyến đường, kênh, rạch đầy rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Nụ, phường Hiệp Thành cho rằng: Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cần đồng bộ ở hộ dân và đơn vị thu gom, nếu chỉ hộ dân hoặc đơn vị thu gom thực hiện thì rác thải vẫn chưa được phân loại hoàn toàn khi chuyển đến nơi xử lý.
Ông Đặng Hải Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 12 cho biết: Mỗi ngày trên địa bàn quận phát sinh rác thải sinh hoạt khoảng gần 500 tấn, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công ích Quận 12 và 199 đơn vị thu gom rác dân lập thu gom, vận chuyển. Quận hiện có hai trạm trung chuyển rác là Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành và điểm tập kết An Sương, đang quy hoạch 5 trạm trung chuyển đạt chuẩn tại phường Tân Thới Nhất, Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông. Bên cạnh đó, quận đang gấp rút thực hiện công tác chuyển đổi các đơn vị thu gom rác dân lập thành hợp tác xã cũng như chuyển đổi phương tiện thu gom theo hướng hiện đại.
Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về môi trường, bà Đỗ Thị Diễm Thúy, Phó trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thay đổi thói quen của người dân trong việc không xả rác ra đường, kênh, rạch, thực hiện phân loại rác tại nguồn cần có sự tích cực tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, bên cạnh đó là sự thay đổi mô hình và phương thức thực hiện của đơn vị thu gom. Vấn đề phân loại rác tại nguồn cần đi sâu đến từng người, từng hộ dân, có sự vận động tích cực của tổ dân phố, lãnh đạo phường. Trong khi đó, đối với việc không xả rác cần thành lập các tổ tự quản ở khu dân cư để người dân kiểm tra và nhắc nhở lẫn nhau, thành lập đường dây nóng để phản ánh các hành vi xả rác ra đường, kênh, rạch. Bên cạnh việc bố trí thùng rác ở các điểm cộng cộng cần lập các điểm tập kết rác nhỏ lẻ ở khu dân cư trước giờ thu gom tránh tình trạng người dân để rác trước nhà gây mất mỹ quan.
Cử tri quận 12 nêu phản ánh về các vấn đề môi trường
Theo ông Trần Hữu Trí, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quận 12: Nhằm thực hiện hiệu quả việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, cán bộ lãnh đạo, hội viên các hội, đoàn thể cần đi đầu trong việc thực hiện tạo sự lan tỏa rộng rãi đến người dân. Bên cạnh đó, cần gấp rút hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình và phương thức vận chuyển của đơn vị thu gom dân lập, việc chuyển đổi thành hợp tác xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị vay vốn chuyển đổi phương tiện, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường.
Trước phản ánh của các đơn vị thu gom rác dân lập về tình trạng một số hộ dân không thực hiện việc phân loại, ông Trần Hữu Trí cho biết: Nếu phát hiện hộ dân không thực hiện phân loại rác, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom và báo cáo với chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Trong thời gian tới, Quận sẽ thực hiện nạo vét, xây dựng đường giao thông ở 18 tuyến kênh, rạch với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, hạn chế tình trạng xả thải, vứt rác xuống kênh, rạch. Lãnh đạo Quận sẽ chỉ đạo các địa phương lắp đặt thêm camera ở các tuyến đường, kênh, rạch nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xả rác ra đường, kênh, rạch./.