Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh có dân số lớn nhất cả nước và là một trong 2 thành phố có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) vừa qua, Thành phố có điểm trung bình tốt nhất trong 5 thành phố và xếp hạng 5 cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, 4 địa phương có điểm trung bình thi THPT Quốc gia đứng đầu cả nước (Nam Định, Hà Nam, Bình Dương và Ninh Bình) có khoảng 46.870 học sinh dự thi. Trong khi đó, kỳ thi này, TP Hồ Chí Minh có hơn 70.720 em dự thi.

“Số lượng học sinh dự thi của TP Hồ Chí Minh gấp 1,5 lần học sinh 4 địa phương có kết quả thi THPT đứng trên TP Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân so sánh kết quả ngành giáo dục Thành phố đạt được trong năm học vừa qua.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng điểm lại một số kết quả mà ngành giáo dục Thành phố đã đạt được như: Thành phố đã đạt 276 phòng học/10.000 dân, trong điều kiện mỗi năm số học sinh tăng cao (mục tiêu đến 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân). Cùng với đó, tỷ lệ học sinh tiểu học được học tiếng Anh trong nhà trường đạt 95%, học sinh được học Tin học đạt 63% là kết quả đáng mừng. Hầu hết các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã xây dựng được kế hoạch dạy học chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Thành phố quan tâm và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên - lực lượng quan trọng để thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo. Bên cạnh nỗ lực của ngành giáo dục với nhiều quỹ chăm lo, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã góp phần tăng thu nhập cho giáo viên.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chúc mừng kết quả đạt được của ngành giáo dục Thành phố trong năm học vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lãnh đạo và nhân dân Thành phố đã và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cao nhất cho giáo dục.

Bí thư Thành ủy cũng gửi tới ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên Thành phố thông điệp: TP Hồ Chí Minh muốn đi đầu cả nước thì không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng giáo dục đạt đến trình độ quốc tế, từ các cấp học phổ thông đến các trường nghề cũng như các cấp học cao hơn. “TP Hồ Chí Minh muốn cạnh tranh thì giáo dục phải hướng đến chất lượng quốc tế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đánh giá cao chủ trương đẩy mạnh tự chủ của các trường, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, ngành Giáo dục cùng các sở, ngành liên quan cần bàn sâu và tính toán biên chế đội ngũ cho ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu trong điều kiện học sinh hàng năm tăng cao; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính cho giáo dục, đủ sức vươn tầm quốc tế. Không chỉ xây dựng xã hội học tập suốt đời mà phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự học bằng nhiều hình thức, mọi lúc, mọi nơi thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, thầy cô phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố thực hiện tốt công tác đổi mới giáo dục ở các bậc học, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng đội ngũ; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; tăng cường cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; đẩy mạnh hội nhập quốc tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, dân số tăng cơ học cao đã tạo áp lực lớn trong việc đáp ứng cơ sở trường lớp tại một số quận, huyện có quá trình đô thị hóa; sĩ số học sinh/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, hiện nay việc đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên ở một số môn vẫn còn hạn chế. Cụ thể, vẫn chưa có định biên và chế độ chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học, giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen
và cờ thi đua cho ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, trong năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, ngành tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học. Cùng với đó, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng hội nhập quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện phấn đấu từ đây đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Ngoài ra, Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối, các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tham mưu TP tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, đảm bảo đủ trường lớp, giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Nhân dịp này, Trường THPT Thủ Đức và Trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng.

Năm học 2018 - 2019, TP Hồ Chí Minh có 60 dự án xây dựng trường học được đưa vào sử dụng với tổng quy mô 977 phòng học, tổng vốn đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2019, Thành phố có 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học).

Năm học 2019 - 2020, Thành phố dự kiến tăng thêm 75.434 học sinh, trong đó có 62.998 học sinh công lập và 12.436 học sinh ngoài công lập.

Đầu năm học 2019 - 2020, Thành phố sẽ đưa thêm vào sử dụng 1.476 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng với tổng mức đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng.

Tin, ảnh: V.Lê