Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Trong 3.316 ca sốt phát ban nghi sởi có 1.564 ca bệnh nhập viện, còn lại là ca bệnh ngoại trú. Trong số ca bị mắc, số ca chưa tiêm chủng chiếm 54%, số ca không rõ tiền sử tiêm chủng là 45,8% và số ca có tiêm 1 mũi vắc – xin sởi là 0,2%. Sau 4 năm không có ca sốt phát ban nghi sởi, từ năm 2018, cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước sốt phát ban nghi sởi tại TP. Hồ Chí Minh quay lại theo chu kỳ 5 năm. Bệnh xuất hiện từ tháng 8/2018, tăng dần hàng tuần liên tục đến cuối năm 2018 và kéo dài sang đầu năm 2019. Số ca bệnh cao nhất ở 4 tuần đầu năm 2019, sau đó ca bệnh có xu hướng giảm dần từ tuần 6. Hiện nay số ca mắc bệnh sởi hàng tuần đã dưới 200 ca/tuần (cao nhất là 350 ca vào tuần thứ 4).
Giải thích về việc bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng sau mỗi 4-5 năm tại TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cho biết, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm của Thành phố đạt 95%, nhưng mỗi năm vẫn còn đó khoảng 5% số trẻ (khoảng 5000 trẻ) chưa được tiêm chủng mũi sởi 1. Sau 5 năm, số trẻ này được tích lũy lên đáng kể nên trong số trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng có đến khoảng gần 20.000. Hơn nữa, nhiều trẻ là con em của người dân lao động nhập cư, chưa được tiêm chủng theo lịch tiêm chủng bắt buộc khi ở địa phương khác hoặc khi đến sinh sống tại thành phố nhưng không được quản lý để mời tiêm chủng; hoặc do mưu sinh nên công nhân không có thời gian đưa con đi tiêm chủng đúng lịch. Bên cạnh đó, còn có lý do là việc cập nhật, rà soát để quản lý đầy đủ đối tượng tiêm chủng trên địa bàn dân cư vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến còn một số đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng vẫn bị bỏ sót, nhất là đối tượng là con của công nhân, người lao động nhập cư hoặc ở nơi có dân cư di biến động nhiều.
Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện rà soát trẻ, vận động phụ huynh và tổ chức tiêm vét các trẻ bị hoãn tiêm, trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn. Đồng thời cần phát huy vai trò chỉ đạo của chính quyền phường xã và các ban ngành liên quan (giáo dục, tư pháp, dân số, công an, khu phố…) trong việc rà soát, cập nhật và quản lý đối tượng tiêm chủng.
Được biết, Thành phố vừa triển khai chiến dịch tiêm miễn phí vắc xin Sởi-Rubella (MR) cho trẻ 1 – 5 tuổi thực hiện từ tháng 12/2018 đến hết tháng 1/2019 tại trường học cho trẻ đi học và trạm y tế cho trẻ không đi học. Qua chiến dịch, đã có 253.525 trẻ được bao phủ bằng ít nhất 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Qua đó, số ca sốt phát ban nghi sởi đang giảm liên tục hàng tuần. Tuy nhiên, để mang tính bền vững, cần tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm vét thường xuyên cho trẻ.
Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cũng cho biết, dự báo sốt phát ban nghi sởi sẽ tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới nhờ tác động của hoạt động tiêm vét và tiêm bổ sung vắc xin sởi. Tuy nhiên, để khống chế hoàn toàn dịch sởi cần tiếp tục các hoạt động tiêm vét vắc xin sởi.
Về bệnh sốt xuất huyết, trong 3 tháng đầu năm, toàn Thành phố ghi nhận tổng số ca bệnh cộng dồn là 17.832 ca, tăng hơn 263% so với cùng kỳ năm 2018. Mùa dịch 2018-2019 là mùa có số ca mắc bệnh tăng cao nhất trong những năm gần đây và kéo dài trong nhiều tuần. Đỉnh cao nhất của mùa dịch là vào tuần 1-3/2019 (hơn 1400 ca nhập viện mỗi tuần). Sau đó, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm chậm hàng tuần. Trong 3 tuần gần đây, số ca giảm nhanh hơn (giảm hơn 35% so với trung bình 4 trước liền kề). Số ca nhập viện tuần 12/2019 là 360 ca. Hiện nay sốt xuất huyết đang ở giai đoạn cuối mùa dịch 2018-2019. Dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục giảm nhanh trong 4-6 tuần nữa, tương đương với năm 2018 và sau đó có thể gia tăng trở lại khi mùa mưa đến để khởi đầu mùa dịch mới 2019-2020.
Bệnh tay chân miệng diễn tiến như hàng năm. Tổng số ca tay chân miệng cộng dồn đến tuần thứ 12 năm 2019 là 2.168 ca. Đa số bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú với 1.718 ca. Số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 450 ca, tăng 22% so với cùng kỳ 2018. Không có ca tử vong do tay chân miệng.
Từ năm 2015 đến 2017, số ca mắc tay chân miệng hàng năm luôn thấp hơn so với giai đoạn 2011 – 2014, không có biến động lớn về số ca bệnh hàng tuần. Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, do đó trong nhiều năm qua, ngành y tế đã triển khai kiểm soát bệnh tay chân miệng song song ở khu vực trường học (phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo) và ở cộng đồng (tập trung truyền thông ở các hộ dân có trẻ dưới 5 tuổi, khu vui chơi)./.