Toàn cảnh phiên giải trình (ảnh: VL)
Tình hình cháy nổ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là tại các khu dân cư, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt ra những câu hỏi liên quan tới công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của Thành phố hiện nay; giải pháp nào đối với những khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong tuyên truyền, quản lý, xử lý vi phạm về cháy nổ…
Báo cáo tại phiên giải trình, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có trên 300.000 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Có 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao với tổng số 1.221 DN hoạt động; hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao tầng trên 10 tầng. Có trên 1.500 cơ sở kinh doanh xăng, dầu và khí đốt hóa lỏng… Đại tá Bửu khẳng định: “Đây là những đối tượng mà khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh”.
Cũng theo thông tin từ Đại tá Lê Tấn Bửu, qua thống kê các vụ cháy nổ trên địa bàn cho thấy, hơn 60% số vụ cháy có nguyên nhân từ điện. Việc sử dụng điện trong các hộ dân hiện nay còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ chập điện dẫn tới cháy là khá cao bởi việc mắc điện là do chủ nhà tự ý thuê người, không có cơ quan nào quản lý hay cấp phép.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố có khoảng trên 200.000 hộ kinh doanh nhỏ lẻ (kết hợp nơi ở với nơi kinh doanh). Với đặc thù là hàng hóa buôn bán trong nhà nhiều, người ở tầng trên, hàng hóa ở phía dưới, cửa thì 2-3 lớp nên khi xảy ra cháy thường gây hậu quả rất nghiêm trọng, thường gây chết người.
Cung cấp thêm thông tin, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Thành phố cho biết, chỉ tính riêng từ tháng 12/2016 và quí I/ 2017, toàn Thành phố đã xảy ra 485 sự cố về cháy - nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, các vụ cháy là 367 vụ, làm chết 19 người (tăng 18 nạn nhân), bị thương 19 người (tăng 6 nạn nhân), thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng, lực lượng đã cứu được 28 người khỏi các vụ cháy. Cũng theo Đại tá Trần Thanh Châu, đối với những vụ cháy tại các hộ kinh doanh thiệt hại về người chiếm trên 80%.
TP.Hồ Chí Minh với quá trình phát triển mạnh mẽ, các tòa nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng. Đối với những tòa nhà cao tầng, hiện nay công tác phòng cháy chữa cháy cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại tá Lê Tấn Bửu cũng thừa nhận rằng, công tác chữa cháy đối với những tầng cao của các tòa nhà cao tầng gặp nhiều khó khăn nhất là những tòa nhà cao trên 20 tầng. Không riêng Việt Nam mà trên thế giới, các xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể tiếp cận ở độ cao khoảng 20 tầng. Tuy nhiên, Đại tá Lê Tấn Bửu cũng khẳng định, người dân có thể an tâm bởi lực lượng cảnh sát chữa cháy hoàn toàn đủ sức lên các tầng cao để chữa cháy thông qua thang máy dành cho cảnh sát PCCC hay bằng cầu thang bộ. “Các tòa nhà cao tầng đều có các tiêu chuẩn quy định mà chủ đầu tư công trình phải tuân thủ, để khi có sự cố lực lượng cảnh sát PCCC theo đó thực hiện nhiệm vụ", Đại tá Bửu cho biết.
Trong thời gian tới, để công tác phòng cháy chữa cháy của Thành phố đạt hiệu quả, giảm thiểu tối đa tình trạng cháy nổ cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra, các đại biểu cho rằng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Đại tá Châu cho rằng, do các quận, huyện thời gian qua hiện chưa làm tốt công tác PCCC nên mới để xảy ra việc “buông lỏng” trong quản lý. Không thể tất cả mọi việc phòng chống cháy nổ đều chỉ một mình Cảnh sát PCCC chịu trách nhiệm. Để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ tại chung cư, các cơ sở kinh doanh và các chợ… thì hơn bao giờ hết, lực lượng Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, quận, huyện.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh giải trình
về tình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố (ảnh:VL)
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy của người dân, của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Cùng với đó, Đại tá Lê Tấn Bửu cho rằng, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ là rất quan trọng. Do vậy, lực lượng này phải được đào tạo, huấn luyện kỹ năng xử lý tốt tình huống; đồng thời chú trọng tới một số vấn đề như: hệ thống báo cháy, hệ thống thoát hiểm, hệ thống nước phục vụ khi sự cố xảy ra… Các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cũng cần phải rõ ràng, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước; có những chế tài đủ sức răn đe đối với các vi phạm.
Đại tá Trần Thanh Châu nhấn mạnh: “Đối với các tòa nhà cao tầng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng quy định thì mới cấp phép và đồng ý cho chủ đầu tư bán căn hộ cho dân. Đừng để đến khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới quy trách nhiệm thì đã quá muộn màng”.
Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, công tác phòng chống cháy nổ tại Thành phố trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, diễn biến phức tạp đặc biệt liên quan tới việc sử dụng điện của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người sử dụng điện chưa ý thức được mức độ nguy hiểm, trong quá trình sử dụng điện không đúng quy trình, không chú ý tới khuyến cáo của những đơn vị có trách nhiệm. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, tuyên truyền đi vào thực chất, thiết thực tránh tính hình thức.
TP. Hồ Chí Minh hiện nay có mật độ dân số cao, do đó bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị UBND Thành phố có thống kê số dân trên địa bàn Thành phố chính xác để từ đó xây dựng phương án phù hợp, hiệu quả.
HĐND Thành phố ghi nhận các kiến nghị của lực lượng Cảnh sát PCCC và sẽ có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện; đồng thời đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo khắc phục triệt để và chỉ ra những đơn vì nào còn buông lỏng công tác PCCC, dẫn tới những phiền phức cho người dân và doanh nghiệp./.