Một tuyến đường nối Đồng Nai, Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh. (ảnh: Nguyễn Sơn)
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm này rất lớn, chính vì vậy việc kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương nói trên sẽ giúp phát triển mạnh mẽ kinh tế khu vực này. Từ năm 2016, TP.Hồ Chí Minh đã cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rà soát hệ thống giao thông vận tải trong vùng, nhằm mục tiêu kết nối thuận tiện và thúc đẩy phát triển kinh tế. Một đề án kết nối giao thông tổng thể giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thiết kế cụ thể, với mục tiêu rút ngắn thời gian đi lại, thuận tiện cho sự phát triển chung của cả Vùng.
Theo đó, các kết nối hệ thống trục chính của TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận theo hướng Đông Bắc- Tây Nam như kéo dài đoạn kết nối Vành Đai 2- Vành Đai 3, nâng cấp ĐT743C đảm bảo cho hướng kết nối đường vòng cung Tây Bắc qua cầu Phú Long; Xây dựng tuyến nối tắt ĐT741 từ khu vực Tân Lập- Bình Phước đến khu vực đầu đường QL51- Đồng Nai để tạo hướng kết nối phía Bắc và kết nối thẳng xuống khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải…
Được biết, Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch, tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ cần ưu tiên. Cụ thể, đến năm 2020, khoảng 580km đường bộ cao tốc sẽ hoàn thành, 80% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt đường; xây dựng nhanh các tuyến giao thông huyết mạch trục quốc lộ 51, quốc lộ 13, quốc lộ 22 tuyến đường xuyên Á, nhanh chóng cải thiện giao thông đô thị, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung xây dựng sân bay quốc tế mới cho toàn vùng khi sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải; nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân./.