Một công chức tại TP Hồ Chí Minh phục vụ quá tải 346 người.
Theo đó, UBND TP đề xuất Bộ Nội vụ thay đổi phương pháp thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ghi nhận biên chế thực có của TP và giao biên chế hàng năm cho TP sát với thực tế hơn. Đồng thời xem xét, thẩm định lại số lượng người làm việc và số lượng lao động hợp đồng cho TP.
Trong trường hợp Bộ Nội vụ không tăng số lượng biên chế công chức cho TP, có thể xem xét, điều chỉnh theo hướng giảm biên chế viên chức và tăng bù lại biên chế công chức nhưng đảm bảo tổng biên chế chung của TP không tăng, cho phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.
Cụ thể như sau, TP Hồ Chí Minh đề xuất giảm biên chế viên chức năm 2021 từ 111.927 người còn 108.185 người làm việc (giảm 3.742 người) và chuyển số biên chế viên chức cắt giảm này sang biên chế công chức. Khi đó, lượng biên chế công chức từ mức 7.227 người tăng lên hơn 10.900 người.
Đề xuất này cũng để đáp ứng thực tiễn khối lượng công việc tại TP, nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân, giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Trung ương, Chính phủ giao. Vì theo thống kê thực tế và quy mô phát triển của TP Hồ Chí Minh so với các tỉnh, thành khác, số biên chế công chức thực có tại các sở - ban - ngành, quận - huyện của TP Hồ Chí Minh còn thiếu rất nhiều so với biên chế được trung ương giao hằng năm.
Tính đến cuối năm 2019, một công chức tại TP Hồ Chí Minh (tính luôn cả số biên chế phường - xã, thị trấn) phục vụ quá tải 346 người dân cao hơn gấp hai lần so với cả nước - 152 người. Năm 2020, Chính phủ giao biên chế cho TP Hồ Chí Minh (10 triệu dân) thấp hơn biên chế của TP Hà Nội (9 triệu dân) là 815 biên chế.
TP Hồ Chí Minh hiện có 17 sở; 14 cơ quan ngang sở; 24 quận huyện; 1.806 đơn vị sự nghiệp và 23 hội đặc thù. Bình quân dân số một đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố cao hơn bình quân dân số cấp huyện của cả nước khoảng 239.000 người; ở cấp xã bình quân dân số cao hơn 18.900 người./..