(ĐCSVN) - Số lượng xe máy vẫn đang tiếp tục tăng lên tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng. Tại Hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - thực trạng và giải pháp”, do Sở Giao thông Vận tải Thành phố phối hợp cùng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/4, nhiều đại biểu cho rằng cần phải hạn chế loại phương tiện này.


Ảnh minh họa. (Ảnh: V.L)

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay 98% hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có xe máy. Lượng xe máy đăng ký tại Thành phố hiện khoảng 7,5 triệu chiếc, chưa kể khoảng hơn 1 triệu xe máy của người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Tính trung bình, Thành phố Hồ Chí Minh có 910 xe máy/1.000 dân, tỷ lệ cao nhất thế giới. Quỹ đường 26 triệu m2 hiện nay của Thành phố không đủ khả năng chứa 75 - 80% lượng xe máy hoạt động với tốc độ cho phép. Do đó, tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu. Bên cạnh đó, loại phương tiện này còn gây nhiều tai nạn giao thông, tiêu hao nhiên liệu và làm ô nhiễm môi trường. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, loại phương tiện này cần phải hạn chế lưu thông vào Thành phố. 

Cùng quan điểm này, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân xe máy chưa bao giờ được coi là phương tiện giao thông an toàn và tiện nghi. Xe máy phát triển sẽ trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển của chính giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. “Không nơi nào trên thế giới mà xe buýt chiếm dưới 50% vận chuyển công cộng. Thành phố cần một quy hoạch phát triển xe buýt cho 20 - 30 năm tới. Trong đó, hệ thống trạm trung chuyển buýt là hạng mục hạ tầng rất quan trọng đối với hoạt động của xe buýt”, ông đề xuất.

Cũng với đề xuất phát triển phương tiện giao thông công cộng, theo TS. Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Hiện nay, với giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt cho dù có đường sắt đô thị trong tương lai gần. Việc hạn chế xe gắn máy phải triển khai theo lộ trình, từng bước như các nước đã làm, phát triển giao thông công cộng, song song với việc hạn chế, thu hồi những xe máy quá niên hạn, gây ô nhiễm môi trường”.

Đề xuất giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, Thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải hạn chế từng bước, trước mắt là xe máy, sau đó hạn chế cả xe ô tô. Các biện pháp hạn chế có thể bao gồm áp dụng lưu thông ngày chẵn/lẻ, thu phí cá nhân vào khu vực kẹt xe, thu phí đỗ xe cao đối với xe cá nhân trong trung tâm, thu phí môi trường trên tất cả các loại xe lưu thông trên địa bàn Thành phố...

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, để giảm phương tiện cá nhân, cần có các giải pháp về quy hoạch đô thị. Theo phân tích của TS.KTS Nguyễn Thiềm: “Với thời gian đi bộ 15 - 30 phút để tới bến xe buýt, chờ xe buýt, chuyển tuyến, người làm việc mất cả 1 - 2 giờ mới tới được khu vực cần đến, trong khi đó nếu đi xe máy chỉ mất dưới 30 phút”. Do vậy, để giảm phương tiện cá nhân, cần có các giải pháp về quy hoạch đô thị phù hợp như: không cấp phép xây dựng các công trình phục vụ nhiều người như trường học, bệnh viện, siêu thị… trên các tuyến đường cấp Thành phố; dừng hẳn việc cấp phép các khu văn phòng cho thuê tại khu trung tâm Quận 1 và "mời" các dự án này qua Thủ Thiêm, khu A Phú Mỹ Hưng hoặc xa lộ Hà Nội...

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ có kiến nghị lên Thành phố lập một Ban nghiên cứu phát triển giao thông đô thị nhằm xem xét, nghiên cứu lập đề án, tổ chức thực hiện các kiến nghị trên.

 

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 4.869 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4.000km. Tính đến ngày 15.3.2017, Thành phố đang quản lý tổng cộng hơn 7,9 triệu phương tiện (trong đó có 637.323 xe ô tô và hơn 7,3 triệu xe mô tô). So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe mô tô tăng 5,4% và tăng 63,4% so với cuối năm 2010. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, đây là con số chưa tính lượng phương tiện mang biển số các tỉnh đang lưu thông trên Thành phố Hồ Chí Minnh là khoảng 1 triệu phương tiện các loại.

 

V.Lê