Truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm được trồng trọt, chăn nuôi thế nào; có sử dụng phân bón hóa học hay chất kháng sinh không; thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản, nơi sản xuất, dây chuyền sản xuất hay khâu kiểm định chất lượng ra sao?... Như vậy, mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều sẽ được công khai minh bạch cho người tiêu dùng.
Các đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (rau, củ, quả, thịt heo, thịt và trứng gia cầm) nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Đối với sản phẩm rau, củ, quả, hiện TP. Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành chương trình truy xuất nguồn gốc rau củ quả tại một số siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC, Lotte. Thao tác truy xuất khá dễ dàng, chỉ cần điện thoại có kết nối internet và cài phần mềm Zalo quét mã QR code khoảng 3 giây là có ngay thông tin cần biết về sản phẩm như vùng trồng, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch, nơi đóng gói, địa điểm bán…
Sản phẩm rau của Phú Lộc được truy xuất nguồn gốc
bày bán tại hệ thống siêu thị Coop Mart. (Ảnh: VL)
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại thời điểm công bố thí điểm triển khai, tổng sản lượng rau, củ, quả có dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 hợp tác xã (hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh; hợp tác xã Phú Lộc, huyện Củ Chi) khoảng 4 tấn/ngày, cho 18 chủng loại sản phẩm. Tại thời điểm hiện nay, sản lượng này đã tăng lên 10-12 tấn/ngày, chiếm khoảng trên 60% sản lượng sản phẩm bán ra thị trường của 2 hợp tác xã trên.
Các sản phẩm rau, củ, quả có dán tem truy xuất nguồn gốc đã được người tiêu dùng tin cậy và quan tâm lựa chọn. Tính riêng tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả có dán tem truy xuất nguồn gốc đã tăng bình quân từ 10-15%.
Đánh giá được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc dán tem truy xuất nguồn gốc, sau khi triển khai công bố thí điểm sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc ra thị trường, bên cạnh sản phẩm của 2 hợp tác xã trên, hiện nay quy trình tổ chức dán tem đã được chuyển giao cho một số đơn vị khác như: Công ty Cổ phần nông nghiệp Kỹ thuật Việt; Công ty TNHHXK nông sản An Phú Đà Lạt… và các sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc của các đơn vị này đã có trên thị trường TP.Hồ Chí Minh.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc cho biết, từ nay tới cuối năm 2017, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nhân rộng dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn để ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với sản phẩm thịt heo, một trong những mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ khá lớn trên thị trường, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, Thành phố cũng đã triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc.
Với kênh phân phối hiện đại, chương trình này đã được triển khai từ tháng 12/2016. Đến thời điểm hiện nay, khi người tiêu dùng mua thịt heo ở siêu thị, các kênh hiện đại ở TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam từ Bình Thuận trở vào đều truy xuất được nguồn gốc và chương trình được người tiêu dùng đánh giá là triển khai tốt. Chương trình đã tạo thói quen, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi, người phân phối, kinh doanh thịt heo khi đưa sản phẩm ra thị trường phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng biết.
Hiện, TP.Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thịt heo vào các chợ truyền thống. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng tại các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, để người tiêu dùng truy xuất được toàn bộ thông tin về miếng thịt heo mua khi mua ở chợ thì phải trải qua việc cung cấp thông tin từ nhiều công đoạn (từ người nuôi, thương lái thu mua giết mổ, thương lái kinh doanh heo mảnh). Do đó, các chủ thể khai báo thông tin hiện nay còn chưa đạt kết quả cao. Tại các chợ đầu mối mà Thành phố thí điểm triển khai mới đạt khoảng 35%.
Tại hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn Thành phố, sản phẩm thịt heo
được triển khai truy xuất nguồn gốc khá tốt và được
người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng. (Ảnh:VL)
Về giải pháp, ông Hòa cho biết, Thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp kinh tế, trong đó có sử dụng Ngân sách Thành phố để hỗ trợ người nuôi heo mua vòng nhận diện đeo cho heo. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, thương lái nắm được chủ trương của Thành phố cũng như việc triển khai Đề án truy xuất này.
Đồng thời, Thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng hỗ trợ triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh được hiệu quả.
Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc rau, thịt heo, Sở Công Thương Thành phố cho biết sẽ chính thức áp dụng đồng loạt chương trình truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gà trên toàn Thành phố từ ngày 3/10, sau hơn 1 tháng áp dụng thử nghiệm và đã thu được kết quả khả quan. Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, đã có 28 trang trại chăn nuôi gà giống; 355 trang trại gà thịt; 65 trang trại gà đẻ trứng (sản lượng 78.322.980 quả/tháng); 13 cơ sở giết mổ, đóng gói thịt gia cầm (sản lượng 179.000 con gia cầm/ngày); 7 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng 2.260.000 quả/ngày) đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.750 điểm bán thịt và trứng gia cầm đã đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm và cam kết kinh doanh đúng với quy định mà hai bên đã thỏa thuận.
Mặc dù Thành phố đã có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm một số mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, tuy nhiên, hiện nay 85% hàng hóa tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh là do các tỉnh thành cung cấp. Để TP. Hồ Chí Minh thực hiện việc kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được hiệu quả, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay hợp lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, sự ủng hộ của các địa phương và sự hưởng ứng, quan tâm, giám sát, kiểm tra của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố không dừng lại ở việc truy xuất nguồn gốc mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm mà sẽ mở rộng triển khai Đề án với các mặt hàng thực phẩm khác như: thịt bò, rau, củ, quả… để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, truy xuất được nguồn gốc./.