Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Trương Thị Ánh; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; các sở, ngành và các nhà đầu tư.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua với những nỗ lực không ngừng của Thành phố, công tác giảm ngập nước của Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều tuyến đường của TP. Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ngập trong mùa mưa.
Hệ thống cống hiện có của TP.Hồ Chí Minh chỉ đạt 4.176/6.000 km. TP.Hồ Chí Minh chỉ mới cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính với chiều dài khoảng 60,3 km, hoàn thành 2/12 nhà máy xử lý nước thải (Bình Hưng, Tham Lương Bến Cát), thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (Nhiêu Lộc – Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai.
Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đang cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho chống ngập của TP.Hồ Chí Minh là 96.327 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn đã triển khai đạt khoảng 28% (khoảng 22.900 tỷ đồng) và đang thiếu hụt nguồn đầu tư khoảng 73.300 tỷ đồng.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế Thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu.
Vì vậy, TP.Hồ Chí Minh mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình chống ngập nước bằng hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hoá – Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1,Bắc Sài Gòn 2, Rạch Cầu Dừa và lưu vực Tây Bắc. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến trên 45.500 tỷ đồng. 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch với tổng mức đầu tư dự kiến 19.640 tỷ đồng; 3 dự án đê bao cùng các cổng kiểm soát triều có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.722 tỷ đồng và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh, 17 dự án mời gọi đầu tư sẽ xóa ngập cho 13/17 tuyến đường bị ngập nước do mưa; 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây; 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều, đồng thời xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải.
Tuy nhiên, các dự án phải đảm bảo yêu cầu đặt ra về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo nhu cầu mở rộng trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại Hội nghị.
Ngoài thực hiện nhóm giải pháp triển khai công trình, TP.Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ 4 giải pháp phi công trình gồm nâng cao chất lượng, quản lý quy hoạch; bổ sung chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh; tăng cường liên kết hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao công tác dự báo và giải pháp tuyên truyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mong muốn của Thành phố về dự án chống ngập rất nhiều nhưng nguồn lực thì có giới hạn, quy hoạch còn chậm thay đổi. Do vậy, Thành phố mong muốn lắng nghe doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết đóng góp cho Thành phố trong lĩnh vực này. Thành phố kỳ vọng sẽ nhận nhiều dự án đầu tư, ý kiến đóng góp giúp giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi, cải thiện môi trường nước, cải thiện đời sống dân sinh.
“Chính quyền Thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra giải pháp, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong quá trình thực hiện, TP.Hồ Chí Minh cam kết công khai, minh bạch”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh./.