|
|
Đồng chí Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: hochiminhcity.gov.vn) |
Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.
Nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện ngoại thành mang tính bền vững, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cùng các huyện nghiên cứu 5 đề án nhánh gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị; Con người đô thị.
Trong số các đề án nhánh, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề con người đô thị nhằm xây dựng và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi người nông dân thành thị dân. Đây là sự sáng tạo trong đề xuất và giao chủ đề nghiên cứu mới trong các đề án đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận hoặc thành phố trong thành phố. Điều này góp phần hướng đến phát triển bền vững, do con người là trung tâm của mọi vấn đề.
Báo cáo tổng hợp tại Hội nghị, Tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhu cầu chuyển đổi từ đơn vị hành chính huyện sang đơn vị hành chính đô thị là vấn đề đặt ra bức thiết. Do vậy, nghiên cứu đầu tư các huyện đạt chuẩn đô thị đến năm 2030 là cấp bách. Qua thực tiễn và đối chiếu các tiêu chí, kết quả cho thấy, việc lựa chọn phấn đấu theo mô hình thành phố thuộc thành phố (tương ứng đô thị loại III) sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với 5 huyện, so với mô hình lên quận (tương đương đô thị loại I cao hơn).
|
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: hochiminhcity.gov.vn) |
Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các huyện đến năm 2030, khi thành phố Thủ Đức đang cần tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng, để trở thành thành phố thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Do vậy, nguồn lực đầu tư cho 5 huyện đòi hỏi cần có giải pháp huy động thật hiệu quả, cơ chế chính sách đột phá nhiều hơn.
Về kết quả nghiên cứu 5 đề án nhánh, các chuyên gia cho rằng, 5 huyện cần lưu ý đến các giải pháp đề xuất xây dựng và định hình con người đô thị, lối sống đô thị. Qua đó, các huyện cần tập trung triển khai các giải pháp ưu tiên đối với người dân. Việc này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với lối sống đô thị, thay đổi sinh kế, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường của con người dân; cùng với đó là khả năng tiếp cận nhà ở, dịch vụ an sinh xã hội, tiếp cận thông tin của người dân... trong quá trình chuyển đổi huyện lên quận hoặc thành phố thuộc thành phố.
Qua báo cáo các đề án nhánh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, các huyện đều đi lên theo thế mạnh của huyện, cần xác định rõ định hướng từng địa phương. Việc xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố là để phát triển huyện thành đô thị vệ tinh hiện đại, sinh thái, đô thị xanh, đô thị số chứ không phải đô thị theo kiểu phát triển tự phát.
Đồng chí Võ Văn Hoan lưu ý, việc định hướng vượt trội này nhằm khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo vết dầu loang, tự phát, có nhà ở trước khi có hạ tầng như hiện nay. Các đô thị này cần phải có định hướng phát triển vượt trội so với định hướng phát triển các đô thị bình thường. Các địa phương phấn đấu nỗ lực lên đô thị loại III, nhưng các chỉ tiêu hạ tầng xã hội và kỹ thuật phải phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, mô hình đô thị mà các huyện đang hướng tới xây dựng phải phát triển toàn diện ở tất cả khía cạnh. Ở khía cạnh kinh tế, phải xác định công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, nông nghiệp cố gắng duy trì ổn định. Cùng với đó, trong quy hoạch, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển đô thị của mình, nhất là nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước./..