Mô hình xe đạp công cộng được nhiều nước trên thế giới thực hiện. (nguồn: zing.vn)

  Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017 sẽ triển khai làn đường riêng cho xe buýt ở 2 tuyến đường. Đó là, đường Điện Biên Phủ, từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn; đường Võ Thị Sáu, từ vòng xoay Dân Chủ đến đường Đinh Tiên Hoàng. Nếu thí điểm thành công sẽ triển khai làn dành riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường khác như: Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu du lịch Suối Tiên)…

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm Thành phố nhằm kích cầu người dân sử dụng xe buýt, người dân sẽ không cần đi bộ mà lấy xe đạp di chuyển từ trạm này đến trạm khác đón xe. Dự kiến xe đạp công cộng sẽ được quản lý bằng khóa điện tử và thông tin khách hàng được lưu lại; người dùng xe có thể được miễn phí trong một giờ và xe có thể trả tại các trạm khác nhau. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lại mạng lưới, xây dựng đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2018-2020; dùng xe 9 chỗ kết nối metro và xe buýt nhanh.

Ngoài ra, từ đầu tháng 5/2017, Thành phố sẽ thí điểm bổ sung thêm biển báo chỉ đường bằng tiếng Anh phục vụ du khách nước ngoài. Bước đầu, sẽ có 3 tuyến đường có biển báo chỉ đường bằng tiếng Anh trên địa bàn quận 1 gồm: đường Võ Văn Kiệt, Ký Con, Nguyễn Thái Học. Sau đó, sẽ tiếp tục lắp đặt biển báo chỉ đường bằng tiếng Anh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, một số tuyến quốc lộ, đồng thời rà soát những tuyến đường nào người dân có nhu cầu để bổ sung thêm bảng hướng dẫn bằng ngôn ngữ quốc tế. Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đã bổ sung bảng chỉ dẫn tiếng Anh tại các công trình ở sân bay Tân Sơn Nhất, dự án thi công tuyến metro../. 

K.V