Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều địa phương trong công tác phòng, chống dịch

*Ngày 19/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các thành viên Đoàn công tác Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến thăm và có buổi làm việc với tỉnh An Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (thứ hai từ trái sang) trao tặng 3 tỷ đồng hỗ trợ An Giang phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Sang)

 

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định,TP Hồ Chí Minh sẵn sàng phối hợp, chung tay cùng An Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, nhất là những giải pháp để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kiểm soát, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh với lãnh đạo An Giang.

Dịp này, thay mặt nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao tặng tỉnh An Giang 3 tỷ đồng, cùng một số vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

*Trước đó, ngày 17/10, Đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng, cũng như phương án hỗ trợ điều trị, xét nghiệm, sàng lọc F0 trong cộng đồng…

Theo chia sẻ của Đoàn công tác, trong điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, điều quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân; phải có bình oxy nhỏ và hệ thống cấp cứu nhanh đến nhà; phải thành lập đội phản ứng nhanh và tập huấn, trang bị đồ bảo hộ để họ kết hợp với trạm y tế, cơ sở y tế kịp thời giúp đỡ bệnh nhân trong điều trị COVID-19.Do đó, tỉnh Sóc Trăng phải tập trung lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ mới phát huy hiệu quả tốt nhất; hạn chế cách ly tập trung vì sẽ dễ bị nhiễm chéo mà nên tạo điều kiện cho F1 cách ly tại nhà… Để tránh lây lan trong cộng đồng thì tỉnh cũng nên khoanh vùng, xét nghiệm nhanh nơi xảy ra dịch.

Chia sẻ trước những khó khăn của tỉnh Sóc Trăng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ cử đoàn hỗ trợ tỉnh về nguồn nhân lực, vật tư y tế, sinh phẩm, oxy, túi thuốc, giường bệnh, vaccine và thuốc đặc trị COVID-19; đồng thời, cử đoàn y bác sĩ hỗ trợ khảo sát, đánh giá trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

*Tiếp đó, ngày 20/10, Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP  Cần Thơ cũng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua với biến chủng Delta xuất hiện đã gây nên những chuỗi lây nhiễm phức tạp khiến TP Hồ Chí Minh “trở tay không kịp”. Sự thiếu thông tin, hiểu biết ban đầu về đặc tính của dịch bệnh khiến công tác phòng, chống dịch triển khai khó khăn và không đạt được hiệu quả mong muốn.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mong muốn, Cần Thơ với vai trò là địa phương trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể tiếp tục hợp tác, gắn kết với TP Hồ Chí Minh, trở thành một cầu nối liên kết vùng, chung tay trong công tác kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế. Trước mắt, TP Cần Thơ có kế hoạch trợ giúp nhóm những người lao động từ TP Hồ Chí Minh về quê. Ngoài việc hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, thành phố cũng sẽ thống kê nhu cầu việc làm và kết nối với các doanh nghiệp của thành phố để tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh miền Đông khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dịp này, Thành ủy TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thành phố Cần Thơ 500 triệu đồng và một số vật tư, trang thiết bị dụng cụ y tế.

*Ngày 21/10, Đoàn công tác TP Hồ Chí Minh do Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu làm Trưởng đoàn đã đến thăm và trao hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau 1 tỷ đồng để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, trao tặng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, phần quà an sinh xã hội cho tỉnh.

Dịp này, Đoàn công tác TP Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau đã trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm và định hướng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt nhấn mạnh công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, dịch đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình của mỗi địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng dịch cũng như giải pháp hồi phục phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy được phát triển chung của toàn vùng, khu vực.

Trước tình trạng người dân các tỉnh đã từng làm ăn, sinh sống, học tập tại TP Hồ Chí Minh do gặp hoàn cảnh khó khăn nên đã trở về quê, tạo áp lực, khó khăn lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho bà con, lãnh đạo hai địa phương mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ thường xuyên để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 gắn với khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Y bác sỹ TP Hồ Chí Minh lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch

Sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản tạm ổn định, nhiều đoàn y, bác sĩ Thành phố lại lên đường hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh trước giờ lên đường hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

*Sáng 16/10, Đoàn công tác của Bệnh viện Thống Nhất gồm 9 bác sỹ đã lên đường hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận - địa phương đang có tình hình dịch COVID-19 phức tạp trong những ngày gần đây. Đoàn công tác của Bệnh viện Thống Nhất cũng đã mang theo gần 2 tấn thiết bị máy móc gồm: 5 máy thở chức năng cao, 20 máy thở oxy dòng cao (HFNC), 50 máy tạo oxy, thuốc kháng virus Remdesivir cùng nhiều thuốc men và trang thiết bị y tế khác để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bằng chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đoàn y bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất sẽ sát cánh cùng các đồng nghiệp tỉnh Ninh Thuận nỗ lực cứu chữa những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch; thời gian công tác của Đoàn sẽ kéo dài đến khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. 

*Trước đó, trong chiều tối 15/10, Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 6 thành viên là những cái tên kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng do bác sỹ Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy làm Trưởng đoàn. Theo kế hoạch, từ ngày 15 - 24/10, Đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại các Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Cà Mau; làm việc với UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và Bệnh viện tỉnh Cà Mau về việc điều phối, phân luồng và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Sau đó, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trong đoàn công tác sẽ phối hợp với địa phương tham gia trực tiếp vào công việc điều trị bệnh nhân COVID-19; tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, khám sàng lọc; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Đoàn công tác cũng  sẽ đến các huyện có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 để khảo sát và tư vấn cho các bệnh viện này về việc phân khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, phân luồng và các vấn đề chuyên môn liên quan đến chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

*Tiếp đó, sau khi tỉnh An Giang đề nghị, sáng 19/10, Bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh đã cử lực lượng lên đường tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch tại tỉnh này.

TS.BS Lê Thanh Chiến - Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết: "Nơi địa phương đoàn đến lần này đang có 200 ca mắc COVID-19. Bằng chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đoàn y bác sĩ 10 người của Bệnh viện Trưng Vương sẽ sát cánh cùng các đồng nghiệp Bệnh viện tỉnh An Giang nỗ lực cứu chữa những bệnh nhân COVID-19 nặng”./.

Thanh Lan (tổng hợp)