Giảm từ 10%-20% lượng rác thải tại chợ
Theo báo cáo của Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền, hiện chợ đầu mối có 1.500 thương nhân kinh doanh hoa tươi, nông sản, cá đồng, hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản khô… Tổng lượng hàng nhập chợ bình quân khoảng 2.600 tấn/ngày. Mỗi đêm có khoảng 25.000 – 30.000 lượt người ra vào chợ.
Theo Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền Trần Thị Thuý Liên, thời gian qua, đơn vị đã có kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” đến thương nhân kinh doanh tại chợ nhằm tuyên truyền ý thức trách nhiệm của mọi thành viên trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, thải rác đúng nơi quy định.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao đổi với các thương nhân tại chợ
Theo kế hoạch, đơn vị thực hiện tuyên truyền, vận động thương nhân và người tham gia mua bán tại chợ giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định thông qua các bandroll, khẩu hiệu, loa phóng thanh… Các điểm kinh doanh tại chợ phải tự trang bị thùng rác, thu gom rác thải sinh hoạt và đổ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, trang bị và bố trí các thùng rác, xe chứa rác phù hợp để thu gom phế phẩm hàng hóa, rác thải sinh hoạt tại các nhà lồng chợ và các khu vực xung quanh; tăng cường vệ sinh, thu gom rác thải trong các nhà lồng vào giờ hoạt động ban đêm nhằm đảm bảo việc thu gom rác thải triệt để.
Ngoài ra, sửa chữa, đầu tư mới và nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng tại chợ; lắp đặt các thùng rác chuyên dụng dọc tuyến đường chính vào chợ. “Việc trang bị này ngoài việc giữ vệ sinh chung khu vực công cộng còn nhằm mục tiêu tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn trong chợ”- Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền Trần Thị Thuý Liên nhấn mạnh.
Qua 1 năm thực hiện, tình hình vệ sinh môi trường tại chợ đã có chuyển biến. Việc tuyên truyền vận động kết hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã tác động tích cực đến nhận thức của thương nhân kinh doanh tại chợ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay trên 75% điểm kinh doanh tại chợ trang bị thùng rác sinh hoạt theo đúng quy định, vệ sinh môi trường trong nhà lồng chợ có nhiều chuyển biến so với trước đây.
Bên cạnh đó, nhiều thương nhân đã chủ động liên hệ nơi cung ứng hàng hóa thực hiện sơ chế tại nguồn trước khi nhập chợ. Việc tổ chức sơ chế hàng hóa nông sản tập trung tại các khu sơ chế khô, sơ chế ướt giúp công ty kiểm soát nguồn thải tốt hơn. Đặc biệt, lượng rác thải hữu cơ phát sinh do sơ chế hàng hóa giảm khoảng 10% - 20%/tháng. Cụ thể, trước đây mỗi ngày lượng rác thải tại chợ là khoảng 80 tấn, hiện con số này còn khoảng 50 tấn.
Giải quyết dứt điểm việc kinh doanh trái phép, lấn chiếm lòng lề đường
Tại buổi khảo sát, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền Trần Thị Thuý Liên kiến nghị lãnh đạo TP chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc kinh doanh trái phép, lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường vào chợ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an ninh trật tự; đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và quyền lợi của thương nhân đang kinh doanh hợp pháp tại Chợ đầu mối Bình Điền; xem xét thực hiện nâng nền tuyến đường Quản Trọng Linh nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, thuận tiện cho việc kinh doanh của thương nhân tại chợ cũng như việc lưu thông của người dân.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại buổi khảo sát.
Phó Chủ tịch UBND Quận 8 Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, thời gian qua, Quận 8 có nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị số 19 - CT/TU. Một trong những giải pháp quan trọng là quận đã xây dựng App “Quận 8 trực tuyến” về tiếp nhận ý kiến người dân và vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Ngoài ra, tổ chức ký kết giao ước bảo vệ môi trường với UBND 16 phường.
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung ghi nhận những kết quả của Chợ đầu mối Bình Điền nói riêng và Quận 8 nói chung đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 19 – CT/TU.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đề nghị Chợ đầu mối Bình Điền cần tăng cường tuyên truyền, bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động, hiệu quả. Việc tuyên truyền cần gắn với thay đổi nhận thức và hành động để thương nhân có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, cần phối hợp ký kết liên tịch với chính quyền địa phương một cách thiết thực hơn.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cũng yêu cầu cấp ủy và lực lượng nòng cốt của Chợ đầu mối Bình Điền tăng cường, phân công đánh giá đối với đảng viên, đặc biệt phát huy vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước” hiệu quả, cụ thể nhất là tuyên truyền, vận động thương nhân và người đến giao dịch về cuộc vận động này, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường./.