|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chi Mai) |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin tổng quan thị trường Ba Lan và tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Ba Lan và doanh nghiệp Việt Nam, ngày 23/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Văn Phòng Đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh (PAIH) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan – Việt Nam”.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC), Ba Lan là một thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu. Trong số các nước EU, Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam và là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Trong 9 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 2 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 tỉ USD và nhập khẩu hơn 252,9 triệu USD. Các lĩnh vực hợp tác chính là nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm, công nghệ xanh và xử lý nước thải.
Mỹ phẩm là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển cho cả doanh nghiệp Ba Lan vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Ba Lan là nhà sản xuất mỹ phẩm lớn thứ 5 trong Liên minh Châu Âu và ngành công nghiệp này đang phát triển rất năng động. Các công ty Ba Lan ngày càng mạnh dạn và năng động hơn trong việc tìm kiếm các thị trường mới.
"Châu Á là thị trường mỹ phẩm lớn nhất trên thế giới, tạo ra khoảng 38% doanh thu bán hàng toàn cầu và các nền kinh tế ASEAN cho phép tiếp cận gần 660 triệu khách hàng tiềm năng. Những khách hàng đi theo xu hướng toàn cầu trong ngành công nghiệp làm đẹp và có thể chi tiêu nhiều hơn cho làn da và các sản phẩm chăm sóc tóc và mỹ phẩm màu. Tuy nhiên, việc thâm nhập những thị trường này đòi hỏi phải chuẩn bị một chiến lược mở rộng dài hạn, bao gồm cả những khoản chi tiêu đáng kể cho việc quảng bá thương hiệu cũng trên mạng xã hội. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các công ty trong lĩnh vực này” - Maciej Śmigiel, Chuyên gia của Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh cho biết.
Hiện nay, thu nhập của người dân TP Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng cao dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa cũng có xu hướng tăng nhanh. Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, mẹ và bé, thời trang, thể thao, thực phẩm. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ mở rộng cửa hàng để tiếp thu nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Mặt khác, các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang đưa các thương hiệu quốc tế mới về thời trang, mỹ phẩm, phong cách sống, phụ kiện và trang phục thể thao dã ngoại vào Việt Nam trong năm nay, tạo yếu tố vực dậy thị trường tiêu dùng trẻ. Có thể nói, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang dần phát triển hết sức sôi động, mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện ích. Hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại của TP tiếp tục được các đơn vị doanh nghiệp đầu tư mở rộng không ngừng, hướng đến hình thành trung tâm phân phối hàng hóa lớn cho cả vùng Đông Nam bộ và khu vực các tỉnh lân cận./.