Các doanh nghiệp từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, linh hoạt, hiệu quả. (Ảnh: VL)

Đó là chia sẻ của Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Đã hơn 1 tháng TP. Hồ Chí Minh triển khai Chỉ thị 18. Theo đó, Thành phố tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể về 2 mục tiêu này?

Đồng chí  Dương Anh Đức: Với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; từ đầu tháng 10 năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, linh hoạt nhằm đưa Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể và phấn đấu thực hiện được mục tiêu này trong năm 2021, cụ thể như sau:

Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của Thành phố; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh; được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài. Thành phố xác định, y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.

Để triển khai các mục tiêu này, các ngành, các cấp của Thành phố phải triển khai kịp thời các hướng dẫn mới của Trung ương hoặc cập nhật, sửa đổi các hướng dẫn đã ban hành và tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đảm bảo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thành phố quyết tâm tháo gỡ ngay khó khăn, xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch cho các địa phương. Khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19.

Về công tác phục hồi kinh tế, căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế, tùy theo tình hình của từng địa phương, Thành phố sẽ điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh và của người dân theo từng bước một cách linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Đồng thời, Thành phố cũng ban hành kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tập trung các chính sách hỗ trợ như: Về tín dụng, về tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động, về mở rộng thị trường, về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, về liên kết vùng, hỗ trợ kết nối cung cầu,…Đối với các vấn đề ngoài phạm vi thẩm quyền, Thành phố chủ động kiến nghị đề xuất với Trung ương và phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương khác để cùng tháo gỡ, tạo điều kiện sớm nhất phục hồi các chuỗi sản xuất.

.

 Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà Trung thu cho trẻ mồ côi do COVID-19.

(Ảnh: Sỹ Đông).

PV: Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang rà soát, bổ sung những người có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục chi hỗ trợ (đợt 3). Để đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp khi triển khai hỗ trợ cho bà con, Thành phố đã  triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí  Dương Anh Đức: Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt và kéo dài làm cho đời sống của phần lớn người dân Thành phố khó khăn hơn, nhất là những hộ nghèo, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh và cả người phụ thuộc cùng sống chung với họ.

Trước tình hình bức bách đó, Thành phố xác định phải dốc toàn lực để kịp thời chăm lo đời sống người dân trong hỗ trợ đợt 3 với số người dự kiến được hỗ trợ khoảng 7,4 triệu người, gấp 3 lần số người trong đợt 1, đợt 2 cộng lại.Với quy mô hỗ trợ lớn và yêu cầu phải khẩn trương thì cần có cách làm hợp lý, thủ tục đơn giản và điều kiện thuận lợi cho người được hỗ trợ. Việc này cũng có thuận lợi khi Thành phố đã có danh sách người nhận hỗ trợ trong đợt 1, đợt 2 để tiếp tục rà soát, bổ sung những trường hợp phát sinh mới.

Để đảm bảo chặt chẽ, không trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng, việc xác định người đủ điều kiện hỗ trợ trải qua 3 bước xét duyệt của Tổ công tác tại khu phố, ấp (khâu bình nghị), Hội đồng xét duyệt cấp xã (khâu xét duyệt danh sách) và Ủy ban nhân dân cấp huyện (khâu thẩm định, phê duyệt danh sách).

Đồng thời trong đợt 3 này, Thành phố đã ứng dụng phần mềm để rà soát, đối chiếu và tổ chức chi hỗ trợ cho người dân. Một mặt, để rà soát, xác định những trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ, hơn nữa là dịp để cập nhật, hoàn thiện dữ liệu cho hệ thống an sinh xã hội của Thành phố phục vụ cho mục tiêu, chương trình an sinh lâu dài hơn.

Tính đến ngày 28 /10/ 2021, Thành phố đã hỗ trợ cho hơn 6 triệu người trong tổng số khoảng 7,4 triệu người được xét duyệt đợt 3 (đạt tỷ lệ gần 80,2%).

Chủ tịch  UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thăm và làm việc với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14. (Ảnh: Nguyễn Ly).

PV: Trên thế giới đã có những quốc gia khi nới lỏng giãn cách, số ca nhiễm tăng mạnh và đã phải siết chặt lại. TP. Hồ Chí Minh có xây dựng phương án để đối phó với tình huống này nếu không may dịch bùng phát trở lại?

Đồng chí  Dương Anh Đức: Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Với việc tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, đã có các thuốc điều trị nên có thể khống chế số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ nhiễm bệnh. Một người dù đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có thể bị nhiễm biến chủng delta và vẫn có thể lây cho những người chung quanh. Tuy nhiên những người đã tiêm vắc xin đủ liều khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh nhẹ, đa phần được bảo vệ không bị mắc bệnh nặng và hiếm khi bị tử vong do COVID-19.

Do đó khi nới lỏng giãn cách xã hội thì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gia tăng nếu không tuân thủ 5K cũng như không kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để cách ly ngừa lây nhiễm. Nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng biện pháp siết chặt quy định giãn cách xã hội khi số ca mắc mới tăng lên. Biện pháp luân phiên giữa nới lỏng - siết chặt giãn cách xã hội được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng tùy theo tình hình biến động tăng giảm của dịch bệnh trong bối cảnh sống chung với virút SARS-CoV-2.

Thực hiện chiến lược phòng, chống dịch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, Thành phố triển khai các giải pháp y tế đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”. Xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ cho phép đánh giá cấp độ dịch ngay từ đơn vị phường, xã, thị trấn để kịp thời cách ly nguồn lây khỏi cộng đồng. Tùy theo mức độ đánh giá cấp độ dịch từ đơn vị ở phường, xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ triển khai các biện pháp theo hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Tùy theo cấp độ dịch, Thành phố sẽ triển khai các biện pháp y tế bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giao thông toàn thành phố nhộn nhịp, nhiều tuyến đường đông đúc trở lại. (Ảnh: Hải Long)

PV: Ý thức của người dân là một trong những chìa khóa then chốt để chiến thắng được đại dịch. Đồng chí gửi gắm thông điệp gì tới người dân Thành phố thời điểm này?

Đồng chí  Dương Anh Đức: Kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch trong 4 đợt vừa qua đã một lần nữa tiếp tục khẳng định ý thức của người dân là một trong những chìa khóa then chốt để chiến thắng đại dịch. Người dân cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của ngành y tế để phòng ngừa nhiễm bệnh cho bản thân và lây nhiễm cho người khác. Mỗi người dân phải nêu cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt nếu bản thân mình đang bị nhiễm bệnh. Tôi tin tưởng rằng nếu người dân đồng thuận và luôn hợp tác tốt nhất với chính quyền, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Chiến thắng đại dịch COVID-19 chính là chiến thắng của Nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

 

 

Quỳnh Mai- Vương Lê (thực hiện)