Nhằm đẩy mạnh quá trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các địa phương, ngày 17/1, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các địa phương trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp và tăng hiệu quả  cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt, cụ thể như tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm dần tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20% đến năm 2025 theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của HĐND thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Để làm được điều này đòi hỏi phải thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn vì  đây là khâu đầu tiên của quy trình làm cơ sở cho việc chọn lựa công nghệ xử lý phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, ngày 14/11/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 24/11/2018. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất nội dung tuyên truyền, hướng dẫn Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND đòi hỏi sự quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương,cùng với sự phối hợp, tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đoàn thể trong việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, chủ nguồn thải và người dân, tạo sự chuyển biến nhận thức tham gia thực hiện phân loại rác.

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy, Phó Trưởng phòng Xử lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn theo từng giai đoạn, trong đó từ năm 2018 đến 2020, UBND các quận, huyện triển khai phân loại theo lộ trình tại địa phương, sau năm 2020, việc phân loại được triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại, bao gồm chất thải rắn hữu cơ là chất thải dễ phân hủy như thức ăn thừa, xác động vật, bã trà, cà phê được bỏ vào bao bì có dán nhãn nhận biết hoặc bao bì màu xanh, màu trắng, chứa trong thùng rác màu xanh và được chuyển đi xử lý thành phân bón hữu cơ. Chất thải còn lại bao gồm: Vỏ giấy kẹo, bánh, đồ gốm, đồ thủy tinh, quần áo cũ được để vào bao bì có dán nhãn hoặc bao bì màu đen, chứa trong thùng rác màu xám và xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt phát điện. Trong khi đó, chất thải tái chế gồm giấy báo, tạp chí, thùng carton, sắt thép, săm lốp, người dân có thể bán, tặng cho đơn vị thu gom hoặc bỏ chung vào rác thải còn lại.

Giới thiệu các phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. 

Các địa phương tổ chức thu gom chất thải hữu cơ vào thứ 2, 4, 6, Chủ nhật hằng tuần, chất thải còn lại được thu gom vào thứ 3, 5, 7 hằng tuần, tùy vào tình hình thực tế mà các địa phương tăng hoặc giảm số ngày thu gom trong tuần. Đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại, nếu hộ gia đình không thực hiện bị nhắc nhở  từ 3 lần trở lên/tuần thì đơn vị thu gom thông báo UBND phường, xã xử lý theo quy định.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thu gom rác dân lập bày tỏ khó khăn khi thực hiện chuyển đổi phương tiện theo Quyết định số 44 thì chi phí vượt quá khả năng của đơn vị thu gom, cần gia hạn thời gian vay kéo dài, giảm vốn đối ứng trong vay vốn chuyển đổi phương tiện. Bên cạnh đó, nếu chuyển đổi phương tiện vận chuyển sang các loại xe lớn thì chỉ được lưu thông từ sau 21 giờ mỗi ngày sẽ tác động đến thời gian thu gom, vận chuyển, ảnh hưởng đến việc phát tán mùi hôi.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển thông qua vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường, từ các ngân hàng, quỹ tín dụng. Đối với khung giờ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được phân loại, sở sẽ làm việc với các sở, ngành để các phương tiện được lưu thông thuận lợi. Các địa phương cũng có thể làm việc trực tiếp với Sở Giao thông vận tải về khung giờ lưu thông của các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương./.

Tin, ảnh: Nguyễn Xuân Dự/TTXVN