Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

 

Đây là Tọa đàm do Thường trực Hội đồng khoa học Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam – TP Hồ Chí Minh (KHPT NNL-NT VN) cùng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG – HCM đồng tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tọa đàm khoa học là một trong những hoạt động thường niên mang nhiều ý nghĩa và có tính thực tiễn, hàm lượng khoa học cao của Hội.

Tham dự tọa đàm có: ThS. Lê Như Hùng - Phó chủ tịch Hội KHPT NNL-NT VN, Chủ tịch Hội KHPT NNL NT VN - TP Hồ Chí Minh;  PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN; ThS. Bùi Gia Hiếu - Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường Nhân Việt, NCVCC; TS. Hồ Bá Thâm - Phó chủ tịch Hội KHPT NNL NT VN - TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội; bà Nguyễn Thị Dự - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q 1, T TP Hồ Chí Minh, … Về phía khách quốc tế có Ths. Michael Wan, Giám đốc điều hành Công ty Caracpro (Singapore).

Trong bài đề dẫn, NCVCC- TS. Hồ Bá Thâm đã chia sẻ những kế hoạch hành động của Hội gắn với nhiệm vụ phát hiện, phát triển và bồi dưỡng nhân tài có thể được định nghĩa là những người phẩm chất, năng lực và sản phẩm vượt trội hoặc khác thường. Ông cũng bày tỏ quan điểm “Đặt cái tâm ở đâu, đạt thành tựu ở đó”, mong muốn phát huy tinh thần tự học, tự đào tạo, học tập suốt đời trong xã hội.

Tọa đàm khoa học đã nhận được nhiều bài viết như: “Mấy ý kiến về năng khiếu và tài năng với giáo dục trẻ thành tài hiện nay”, Cần hiểu đúng nhân tố bẩm sinh và nhân tố giáo dục & đào tạo đối với phát triển tài năng” (NCVCC -TS Hồ Bá Thâm); “Chương trình giáo dục năng khiếu tại Singapore” (Gifted education program – GEP) (Ông Michael Wan); “Bàn về giáo dục tinh hoa” (TS. Lê Như Hùng); “Vấn đề phát hiện và phát huy học sinh có năng khiếu ở trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng hiện nay” (Bà Nguyễn Thị Dự); “Cha mẹ với việc phát hiện năng khiếu của trẻ và nuôi dạy ra sao để trẻ thành tài” (PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân); “Về phát huy – năng khiếu, tính sáng tạo– tài năng của sinh viên Trường Đại học Cửu Long, nghiên cứu khoa học” (Ông Trần Văn Thận); “Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh học tập và phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay” (Ông Phạm Văn Bong - Ông Phạm Thanh Hải).

Tại buổi Tọa đàm, diễn giả đã chia sẻ về chủ đề giáo dục tinh hoa với nhiều yêu cầu nổi bật như việc tuyển chọn, chế độ học tập cường độ cao, tính kỷ luật, định hướng nghề nghiệp rõ và môi trường phát triển đa diện…Gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển năng khiếu. Trong nhà trường, giáo viên có thể nhận thấy được tiềm năng năng khiếu trong quá trình dạy học cũng như sinh hoạt, hiểu được trẻ giỏi ở lĩnh vực nào và từ đó có thể định hướng để trẻ có thể phát triển nâng cao năng khiếu bẩm sinh. Từ đó kết nối với gia đình, tạo điều kiện hỗ trợ, động viên, bồi dưỡng để trẻ phát triển tài năng nổi trội, tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước. Ngay cả những trẻ tự kỷ, khiếm khuyết về giao tiếp vẫn có những năng khiếu nhất định và thực tế đã chứng minh một số công ty trên thế giới vẫn tạo cơ hội việc làm cho những người tự kỷ. Hiện nay qua Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner, chúng ta thấy rằng không phải chỉ một vài môn Toán, khoa học tự nhiên mới là có thể trở thành nhân tài. Thực tế đã chứng minh bên cạnh các nhà khoa học lỗi lạc như Edison, Newton, Einstein; các họa sĩ Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Vincent van Gogh có tầm ảnh hưởng đến văn hóa thế giới; ngoài ra thế giới cũng có các thiên tài quân sự như Napoleon, Trần Hưng Đạo và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; và các lãnh tụ lỗi lạc như Anghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh…. Tất cả họ đều được xem như là vĩ nhân, danh nhân của mọi thời đại.

Việc phát hiện năng khiếu từ sớm trong môi trường giáo dục ở gia đình và nhà trường thông qua sự quan tâm, quá trình giao tiếp, quan sát là tiền đề cho việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực nhân tài cho tương lai phát triển đất nước.

Tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân cũng đã được trao quyết định bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam – TP Hồ Chí Minh (phụ trách đối ngoại và hợp tác quốc tế); ThS. Bùi Hồng Thúy – giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Hội đồng khoa học./..

 

 

PV