Hướng dẫn nghiệp vụ công tác phòng cháy, chữa cháy cho người dân (Nguồn: Cảnh sát  Phòng cháy và Chữa cháy TP.Hồ Chí Minh)

Theo đó, Phòng Cảnh sát  Phòng cháy và Chữa cháy quận 1 đã rà soát tất cả các điểm thường xuyên tổ chức vui chơi, giải trí, nơi tập trung đông người. Tham mưu đề xuất kiểm tra chuyên đề về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Đơn vị cũng lên phương án phối hợp với Uỷ ban nhân dân các phường trên địa bàn quận 1 và quận 10 tổ chức các buổi tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong các buổi họp khu phố, tổ dân phố, xây dựng nội dung tuyên truyền phát thanh trên loa của từng tổ dân phố, khu phố.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra tất cả các loại hình cơ sở trên địa bàn quản lý, kịp thời hướng dẫn các điều kiện về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước, trong và sau dịp Lễ.

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình, bởi họ là những người  có trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Phòng Cảnh sát  Phòng cháy và Chữa cháy quận 1 đã gửi các khuyến cáo đến các đối tượng nói trên với những nội dung cụ thể như đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cần phải đưa nội dung tuyên truyền an toàn về phòng cháy chữa cháy vào chương trình hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ để phát động phong trào phòng cháy chữa cháy tới toàn thể cán bộ, nhân viên. Tổ chức cho các tập thể và cá nhân ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Tại các cơ sở sản xuất, việc sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy chỉ đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Hàng hoá sản xuất ra được chuyển đi ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất.

Đối với các nhà ống, nhà liên kế, không tồn chứa xăng, dầu, cồn, gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ khác trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, logia của nhà; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh.

Ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà cao tầng, nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả cơ sở, công trình và cho từng khu vực. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn tại nơi quy định; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho lối thoát nạn.

Các chủ doanh nghiệp, hộ gia đình phải lắp đặt thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao như: rơ le, cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn; bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu 0,5m.

Đồng thời, phải trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình. Chủ động phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đề ra tình huống phức tạp nhất để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại các cơ sở, công trình.

Ngoài ra, phải thường xuyên tổ chức huấn luyện cho những người sống và làm việc trong từng cơ sở theo phương án đã đề ra, hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, phá dỡ đã được trang bị và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Thượng úy Vũ Quang Tưởng, cán bộ kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy quận 1 cho biết, muốn công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mà cần có sự tham gia tích cực của toàn dân. Công tác này mang tính xã hội rất cao, vì thế muốn làm tốt phải có những biện pháp huy động đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân tham gia. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên giáo dục cho mọi công dân thấy rõ lợi ích thiết thực của mình và lợi ích xã hội trong việc phòng cháy chữa cháy, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm và tự giác tham gia phòng cháy chữa cháy.

Nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy, Đảng ủy – Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy quận 1 đã phát động phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy. Theo đó, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy đến các tầng lớp nhân dân; Tập trung xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, là lực lượng nòng cốt cho công tác phòng cháy chữa cháy ở từng địa bàn cơ sở; Thường xuyên tổ chức các hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và các cơ quan, doanh nghiệp trọng điểm; Tổ chức các buổi tọa đàm phòng cháy chữa cháy; Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy; Tổ chức xây dựng phương án chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy./.

NS