Một khu nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: NS)
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ,... với dân số hiện nay hơn 8 triệu người và tốc độ gia tăng dân số luôn ở mức cao dẫn đến nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn. Với sự phát triển về kinh tế-xã hội của thành phố, thu nhập bình quân đầu người dân thành phố ngày càng tăng và được cải thiện đáng kể, tuy nhiên mức thu nhập và khả năng tài chính của không ít các hộ gia đình không đủ để mua nhà ở thương mại nên cần có các chính sách hỗ trợ về nhà ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, chính quyền thành phố đã nỗ lực, chủ động có các cơ chế, giải pháp để điều chỉnh cũng như kiến nghị Chính phủ các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng. Ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đặc biệt cho phép các chủ đầu tư điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đồng thời có gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội và người dân vay với lãi suất ưu đãi 5% để tạo lập nhà ở.
Theo đó, Thành phố đã chủ động, nhanh chóng áp dụng và vận dụng sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương, thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư xây dựng nhà ở thuộc phân khúc bình dân tạo nguồn cung phong phú hơn cho thị trường, đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ cho phần lớn nhu cầu nhà ở của thị trường. Trong đó, thành phố đã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở phục vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên-học sinh và các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Thành phố đã có những giải pháp như xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng đất do nhà nước trực tiếp quản lý, hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để tạo quỹ nhà ở xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách, chủ đầu tư tự ứng vốn để đầu tư xây dựng, sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao cho thành phố quỹ nhà ở tương đương giá trị quyền sử dụng đất giao lại cho chủ đầu tư thực hiện dự án kinh doanh theo quy định, hợp tác công tư (PPP) tại các quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý. Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để cho phép chủ đầu tư có nhu cầu chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có giá bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng, để đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân và đồng thời chủ đầu tư được vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Kết quả là từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã phát triển được 58,96 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân là 18,82 m2/người, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong giai đoạn này, thành phố đã hoàn thành xây dựng mới 10.132 căn nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, 966,000 m2 sàn xây dựng, trong đó có 17 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thu nhập thấp, với quy mô 820,000 m2 sàn xây dựng, 6 dự án nhà ở cán bộ công nhân viên phục vụ cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, với quy mô 146,000 m2 sàn xây dựng. Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 9 dự án nhà ở phục vụ cho công nhân thuê, với tổng diện tích xây dựng là 160,000 m2, đáp ứng 18,500 chỗ ở cho công nhân.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố cũng đang gặp nhiều khó khăn, đó là trong quá trình triển khai thực hiện, theo quy định của luật nhà ở 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được đưa chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào cơ cấu giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên hiện nay, việc thẩm định, xác định chi phí này là rất khó khăn do một số chủ đầu tư tự thương lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, không lập phương án bồi thường nên không có cơ sở để thẩm định. Ngoài ra, một số chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng rất lâu, thậm trí từ 5-10 năm với đơn giá bồi thường rất thấp so với hiện nay, nếu lấy chi phí bồi thường theo giá thực tế đã bồi thường thì các nhà đầu tư không tham gia. Trước thực trạng này, TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ quy định cho phép chủ đầu tư được đưa chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo một trong hai phương thức, cụ thể là theo chi phí thực tế mà chủ đầu tư đã tự thương lượng bồi thường hoặc chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được tính bằng 50% giá trị quyền sử dụng đất được tính theo chi phí tiền sử dụng.
Căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế xã hội và khả năng đáp ứng, để tháo gỡ những vướng mắc trên và đạt được chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2017-2020, đó là Thành phố sẽ phát triển thêm được 32 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương diện tích nhà ở bình quân đầu người là 19,8 m2/người, trong đó phấn đấu xây dựng hoàn thành 20.000 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp tại đô thị, 240.000 chỗ ở cho công nhân thuê, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, theo đó sẽ tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy, dịnh hướng thị phần bất động sản phát triển minh bạch, bền vững. Tổ chức nghiên cứu sớm hoàn thành Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; kế hoạch phát triển nhà ở thành phố đến năm 2020.
Cùng với đó, TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2030 theo hướng khuyến khích chủ đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Tiếp tục rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới. Chủ động tạo quỹ đất từ việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị, kể cả những khu công nghiệp, khu chế xuất để có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, mời gọi các chủ đầu tư có năng lực thực hiện dự án hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về chuyên môn và tài chính, để phát triển nhà ở xã hội theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) đối với quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội do nhà nước trực tiếp quản lý.
Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất. Công khai kế hoạch phát triển đô thị; công bố thông tin các dự án phát triển nhà ở, các dự án kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở, các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở; kiểm soát việc huy động vốn đúng quy định. Tăng cường tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ đầu tư kinh doanh nhà ở, để thị trường hoạt động có hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường./.