Theo Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020, Thành phố phấn đấu xây dựng khoảng 20.000 căn, với 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và 10.000 chỗ ở tập trung cho sinh viên.

Việc phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân Thành phố, đặc biệt là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc diện chính sách, thu nhập thấp. Đồng thời cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị, nâng cao diện tích nhà ở bình quân đầu người, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, góp phần đa dạng hóa quỹ nhà phục vụ tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân chịu ảnh hưởng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người dân, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đa dạng hóa sản phẩm, mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đã có sẵn do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại bàn giao lại.

Kết quả còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án, với tổng diện tích đất là 148,2ha, 48.097 căn hộ nhà ở xã hội. Đến nay, đã hoàn thành 14 dự án, tổng diện tích là 12,9114ha, quy mô 5.146 căn hộ. Trong đó có 6 dự án nhà ở xã hội vốn ngân sách, tổng diện tích 2,6406ha, quy mô 568 căn; 8 dự án nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách, tổng diện tích đất là 10,2694 ha, quy mô 4.578 căn hộ.

Về kết quả bố trí nhà ở xã hội, đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, UBND Thành phố đã chấp thuận cho 568 đối tượng được thuê, thuê mua căn hộ nhà ở xã hội. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, Sở Xây dựng đã xét duyệt cho 7.608 đối tượng được duyệt mua nhà ở xã hội.

Đối với nhà lưu trú công nhân phục vụ khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp thì từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực tới nay, trên địa bàn Thành phố các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hoàn thành 17 dự án nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp và 17 dự án nhỏ lẻ do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và người lao động của doanh nghiệp, với tổng diện tích sàn xây dựng là 286.322 m2, đáp ứng 39.499 chỗ ở, chiếm tỷ lệ 14,9% nhu cầu chỗ ở của công nhân làm việc tại 3 khu công nghiệp tập trung.

Đối với ký túc xá sinh viên, từ năm 2006 tới nay đã triển khai xây dựng đáp ứng được khoảng 106.499 chỗ ở sinh viên. Trong đó, theo số liệu thống kê đến năm 2010 Thành phố có khoảng 45.000 chỗ ở cho sinh viên tại các ký túc xá. Đến năm 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng 6 dự án ký túc xá sinh viên với quy mô 564.435 m2 sàn xây dựng, đáp ứng được khoảng 61.076 chỗ ở sinh viên, lũy kế đáp ứng khoảng 106.076 chỗ ở sinh viên, đạt 46,12% so với kế hoạch. Trong đó, 5 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với quy mô 558.962 m2 sàn xây dựng, đáp ứng 60.308 chỗ ở sinh viên, 1 dự án vay bằng vốn kích cầu với quy mô 5.473 m2 sàn xây dựng, đáp ứng 768 chỗ ở sinh viên. Năm 2016, hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án với quy mô diện tích sàn xây dựng 4.215 m2, đáp ứng khoảng 423 chỗ ở sinh viên, lũy kế đáp ứng khoảng 106.499 chỗ ở sinh viên.

Ông Sơn cho rằng, kết quả trên còn hạn chế so với kế hoạch mà Thành phố đề ra cũng như nhu cầu thực tế của người dân.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2006-2010, mặc dù đã có Luật Nhà ở 2005, các nghị định, thông tư và hướng dẫn liên quan đã quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, tiêu chuẩn thiết kế và các ưu đãi khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng nhìn chung các chính sách này chưa khả thi và chưa có kết quả trong thực tiễn.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Một khó khăn nữa đó là về nguồn vốn, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà là chưa ổn định.

So với nhu cầu của người dân, số lượng nhà ở xã hội
trên địa bàn Thành phố còn quá ít (Ảnh: VL)


Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cũng gặp những vướng mắc về thủ tục hành chính. Chưa có cơ chế riêng cho loại hình nhà ở xã hội, các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội…do đó, các nhà đầu tư chưa tham gia nhiều.

Ngoài ra, còn chưa có tổ chức chuyên trách của nhà nước quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt, tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để giải quyết cho các đối tượng không đủ khả năng mua, thuê mua nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư mà chỉ có khả năng thuê.

Cần đa dạng hóa sản phẩm, vị trí phù hợp với từng đối tượng

TP.Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với dân số đông, khoảng trên 10 triệu dân nên nhu cầu về nhà ở khá đa dạng, do đó Thành phố phải tiến hành khảo sát kỹ nhu cầu để đáp ứng phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Theo ông Sơn, giải pháp của thành phố trong thời gian tới là đa dạng hóa sản phẩm, loại hình nhà ở xã hội. Cụ thể sẽ đa dạng hóa đối tượng phục vụ, đầu tư xây dựng nhiều loại nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua phù hợp với các đối tượng; đa dạng hóa về diện tích, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng về giá, đầu tư xây dựng căn hộ nhà ở xã hội với nhiều loại giá khác nhau để phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng. Bên cạnh đó cũng cần đa dạng về vị trí, phù hợp giữa vị trí nơi làm việc với nơi cư trú của các đối tượng.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất, hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 để xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu đất dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận – huyện, lưu ý tính khả thi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch bố trí các dự án nhà ở xã hội bám sát các tuyến đường giao thông như metro, các trục đường lớn…để đảm bảo thuận lợi trong kết nối hạ tầng.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, cần phát triển nhà ở xã hội kể cả dự án sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách, chủ động chuẩn bị nguồn nhà phục vụ tái định cư cho Chương trình chỉnh trang đô thị, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, phát huy hiệu quả trong quá trình bố trí sử dụng và đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật hiện hành.

Thành phố cũng sẽ cân đối, phân bổ nguồn vốn ngân sách Thành phố để phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính thủ tục đầu tư xây dựng liên quan đến dự án nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có 8 nhóm đối tượng được hưởng chính sách mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội là: cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, người lao động tại doanh nghiệp, trả nhà công vụ, học sinh sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị, người có công với cách mạng, diện tái định cư mà chưa được bố trí; và 2 nhóm đối tượng chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ là: hộ nghèo và cận nghèo nông thôn, hộ tại khu vực nông thôn thường xuyên bị thiên tai.

Vương Lê