Sáng 6/5, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã dẫn đầu đoàn đại biểu gồm hơn 80 điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đại biểu đại diện các giới, các ngành, đại biểu dân tộc, tôn giáo trên địa bàn TPHCM cùng tham gia “Hành trình về thăm quê Bác” do Thành ủy TPHCM tổ chức.
Đây là chuyến hành trình về thăm quê Bác đầu tiên trong 10 chuyến hành trình do TP tổ chức từ nay đến tháng 8/2019, nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019).
Đoàn thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen
Tại tỉnh Nghệ An, đoàn đã đến thăm quê Ngoại của Bác Hồ tại làng Hoàng Trù; thăm quê Nội của Bác Hồ tại Làng Sen; dâng hương, dâng hoa báo công lên Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương, dâng hoa mộ cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác.
Các thành viên trong đoàn đã bồi hồi, lắng đọng trước khung cảnh nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, ngôi nhà do chính nhân dân làng Sen cùng nhau xây dựng, làm quà mừng nhân dịp cụ đỗ Phó Bảng khoa thi Hội năm 1901. Đặc biệt, trong căn nhà ba gian này còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen… Qua lời kể đầy xúc động của người hướng dẫn viên nơi đây, tận mắt chứng kiến những khung cảnh đơn sơ, giản dị, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ lúc nhỏ) cất tiếng khóc chào đời, về thời thơ ấu của Bác, hay khi nghe những câu chuyện về cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ… nhiều thành viên trong đoàn đã xúc động không cầm được nước mắt.
Các đại biểu nghe thuyết trình về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Làng Sen, đoàn đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt các thành viên trong đoàn báo công dâng Bác, đồng chí Trần Thị Long, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hóc Môn bày tỏ: “Nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, thời gian cứ trôi đi, nhưng lòng người Việt Nam không bao giờ nguôi tình cảm thương nhớ Bác. Nghĩ về Bác, nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, để mỗi chúng ta nâng lên niềm tự hào, lòng tin tưởng, và quyết tâm mang ngọn cờ cách mạng của Bác đi tới đích cuối cùng. Nghĩ về Bác, để cho lòng mỗi chúng ta được trong sáng hơn và giữ mãi một niềm tin về tương lai tươi sáng của đất nước. Nghĩ về Bác, để mỗi chúng ta có thêm ý chí và nghị lực, để thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện Di chúc của Người”.
Năm mươi năm qua, tiếp thu những lời Di huấn thiêng liêng của Người, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã tìm thấy từ trong ánh lửa trái tim mình sự trỗi dậy mạnh mẽ trong công cuộc chiến đấu, lao động, xây dựng và kiến thiết đất nước; là nơi khơi nguồn cảm hứng cách mạng để sản sinh ra các phong trào, các cuộc vận động có sức lan tỏa lớn cùng cả nước, vì cả nước góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Người vẫn hằng mong.
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm tại quê ngoại của Bác Hồ
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ năm 2011 đến nay, thành phố có hơn 26.860 gương tập thể và cá nhân được biểu dương cấp cơ sở, 1.014 tập thể và 1.571 cá nhân được biểu dương cấp thành phố.
“Trở về sau chuyến hành trình này, mỗi chúng con nguyện sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu trong học tập, công tác và sống tích cực hơn, quyết tâm hơn; góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn những giá trị đặc biệt, trường tồn mà Người đã tâm huyết gửi gắm trong Di chúc. Chúng con hứa hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, đồng sức, chung lòng, năng động sáng tạo xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình” – đồng chí Trần Thị Long bày tỏ quyết tâm.
*Trước đó, đoàn đã đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, đoàn đã làm lễ dâng hương, dâng hoa và tham quan Nhà lưu niệm, nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung, nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn.
Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM Thân Thị Thư cùng đoàn đại biểu dâng hương đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Thông qua những tư liệu được trưng bày tại đây cùng những câu chuyện kể về đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai từ khi sinh ra với thời ấu thơ đầy cá tính, thời tuổi trẻ sôi nổi với những hoạt động không biết mệt mỏi kể cả trong nước lẫn nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô)… các thành viên trong đoàn đã thực sự rất xúc động, hiểu và cảm phục về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ thử thách nhưng rất vẻ vang của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Thể hiện sự kính trọng, tự hào của nhân dân cả nước đối với sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tên đồng chí đã được đặt cho những con đường, trường học, xí nghiệp, những chương trình khuyến học... ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước./.