Sông Sài Gòn có lưu lượng phương tiện tham gia khá đông, nhất là vào dịp cuối năm
(Ảnh: K.V)

Theo đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông TP.Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ sở trên địa bàn đơn vị quản lý tổ chức tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Tập trung tuyên truyền phòng ngừa các sự cố cháy, nổ do sử dụng điện, khí gas, xăng dầu, vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực dễ xảy ra cháy nổ khác. Qua đây nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy của các cơ quan, tổ chức và cá nhân để làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy ngay từ cơ sở. Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với từng hộ kinh doanh trong các bến phà, bến tàu khách, phương tiện vận chuyển xăng dầu và chất hàng có nguy cơ cháy nổ cao, tàu nhà hàng... Vận động các chủ cơ sở tự đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. 100% các dự án, quy hoạch và thiết kế xây dựng, cải tạo công trình có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện nghiêm chế độ thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy theo Luật Phòng cháy chữa cháy đã quy định.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông TP.Hồ Chí Minh cũng tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như bến phà, bến tàu khách, phương tiện vận chuyển xăng dầu và chất hàng có nguy cơ cháy nổ cao, tàu nhà hàng, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên tuyến đường thủy TP.Hồ Chí Minh...

Trong quá trình kiểm tra lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn cơ sở việc thực hiện pháp luật phòng cháy chữa cháy, các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, kiến nghị cơ sở khắc phục kịp thời sơ hở thiếu sót, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Duy trì lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó với các tình huống cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, tăng cường diễn tập - thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chỗ; trang bị kỹ năng thoát nạn cho công nhân viện tại các cơ sở, và thuyền viên đối với các phương tiện thủy; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan để chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn có sự cố xảy ra… là các giải pháp mà phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông đang tập trung triển khai.

Bên cạnh đó, trong thời điểm cuối năm, lượng phương tiện tàu, thuyền, sà lan… lưu thông trên sông rạch, tuyến thủy nội địa từ các tỉnh về TP.Hồ Chí Minh tăng cao, tình trạng vận chuyển hàng hóa quá tải quá khổ nhiều. Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên các phương tiện đường thủy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Trên sông TP.Hồ Chí Minh cũng tập trung kiểm tra việc trang bị thiết bị, hệ thống chữa cháy trên tàu; câu mắc điện trên tàu… Đồng thời tổ chức gặp gỡ, nhắc nhở, hướng dẫn chủ các phương tiện thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn cháy nổ.

Thời gian tới, thời tiết hanh khô còn kéo dài, cùng với đó là vào dịp cuối năm, thời điểm được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao bởi khối lượng hàng hóa được tập trung lưu thông trên sông rạch, tuyến thủy nội địa từ các tỉnh đổ về thành phố Hồ Chí Minh tăng cao. Do đó, để chủ động sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống cháy nổ xảy ra ngay từ ban đầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông TP.Hồ Chí Minh sẽ thắt chặt hơn công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở cũng cần tăng cường công tác tự kiểm tra phòng cháy chữa cháy để kịp thời phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh gây cháy, nổ, có biện pháp khắc phục kịp thời. Rà soát lại phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để bổ sung và thay thế kịp thời./..

K.V