Ngày 26/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết: Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động hơn 247.300 công nhân có trình độ tay nghề cao, trong đó có 50.700 công nhân nữ và gần 1.200 người dân tộc thiểu số. Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố chiếm 13,56%; 9 ngành dịch vụ chiếm 50,31% và ở 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN chiếm 36,13%. 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trao cờ thi đua cho các trường đào tạo nghề đạt thành tích xuất sắc trong năm 2019.

Trong năm, số lao động đang làm việc đã qua đào tạo hơn 3,9 triệu người (tổng số lao động khoảng 4,6 triệu người) đạt 84,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt 84,56% (tương đương 3,3 triệu người).

Theo ông Lê Minh Tấn, chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố được các doanh nghiệp đánh giá cao ở ngành nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Điều dưỡng, Dược sĩ, Y sĩ và được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng cũng đáp ứng phần nào nhu cầu người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của Thành phố.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo ở khối trường cao đẳng chiếm 81,76%. Đặc biệt, một số trường có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Lý Tự Trọng; Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Thành phố. Khối trường trung cấp, học sinh sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp chiếm 79,96%. Một số đơn vị có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như Trung cấp nghề Bình Thạnh, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trung cấp Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn…

Để đạt được kết quả này, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) cho rằng, trong công tác đào tạo nghề, vấn đề quan trọng nhất của nhà trường hay cơ sở dạy nghề là giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chính vì điều đó, những năm qua, trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, chuyên môn cao; chủ động tìm đối tác, phối hợp xây dựng các chương trình, dự án đào tạo (đào tạo kép) nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, kỹ năng thực hành và giải quyết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Giao lưu cùng các điển hình thành công sau đào tạo nghề. 


Năm 2020, trước những thời cơ và thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập, trong công tác giáo dục nghề nghiệp và việc làm của Thành phố đặt ra nhiệm vụ đổi mới hình thức tuyên truyền, tuyển sinh; tăng cường các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học theo các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời, tiến hành đánh giá công tác tự đánh giá tại các trường công lập thuộc thành phố.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Lê Minh Tấn cho biết, trên cơ sở xác định về nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, Hiệu trưởng các trường chủ động ký kết chương trình đào tạo kép với doanh nghiệp; cân đối hợp lý giữa học ở trường và doanh nghiệp. Ở góc độ Thành phố, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thúc đẩy hình thành trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm; tăng cường kiểm định chất lượng ở những nghề được xác định là nghề tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN; khuyến khích các trường áp dụng các chuẩn đánh giá của các tổ chức có uy tín trên thế giới.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, mục tiêu phấn đấu năm 2020 của các cơ sở dạy nghề là, thực hiện công tác tuyển mới các trình độ đạt 461.000 người học; tổ chức đào tạo cho 6.415 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố; tổ chức tốt công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; phấn đấu tỉ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 86%..../. 

Tin, ảnh: Thanh Vũ/TTXVN