Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ giữa năm 2017 tới nay, UBND Thành phố đã ban hành 5 quyết định hướng dẫn cụ thể cho chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn từ việc tuyên truyền, kiểm tra giám sát, phân cấp về thu gom, vận chuyển, phân loại cụ thể ở từng hộ gia đình.

Bước đầu, Thành phố đã thay đổi về mô hình tổ chức các đơn vị thu gom rác, qua đó đã thành lập được 4 hợp tác xã mới và 20 công ty. Thành phố cũng nghiên cứu thay đổi phương tiện thu gom và công ty Samco đã hoàn thiện 5 mẫu xe để thay đổi các phương tiện hiện nay. Thành phố cũng đã duyệt quy hoạch các trạm trung chuyển trên toàn địa bàn Thành phố để giúp xây dựng lại các trạm trung chuyển phù hợp và không gây ô nhiễm môi trường, cũng như đồng bộ, thống nhất với việc phân loại tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, hiện nay, công tác này vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt là Thành phố cần phải ban hành một số quyết định để giúp các địa phương thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Cụ thể như: Quyết định giá dịch vụ trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác và quyết định quản lý chất thải rắn, trong đó có quản lý lực lượng quản lý rác dân lập. Bên cạnh đó, hiện nay, công tác tuyên truyền cho người dân về phân loại rác tại nguồn cũng chưa được đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện còn chưa mang tính đồng bộ ở các quận, huyện khiến cho hiệu quả còn thấp.

Thu gom rác đã được phân loại trên địa bàn quận 1 (Ảnh: Cao Thăng)

Chia sẻ cụ thể về khó khăn khi thực hiện phân loại rác tại nguồn ở quận 12, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: Từ năm 2015, quận đã triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 2 khu phố phường Tân Thới Hiệp với 3 đối tượng, gồm hộ dân ở mặt tiền đường, hộ trong hẻm và hộ ở nhà trọ. Năm 2016 có thêm 4.500 học sinh ở trường học tham gia phân loại rác tại nguồn. Đến năm 2017 có khoảng 30% hộ dân trên toàn địa bàn quận thực hiện phân loại rác. Khó khăn của địa phương đang gặp phải là người dân chưa có thói quen thực hiện phân loại rác, việc tập trung lực lượng của 119 đơn vị thu gom rác dân lập để tuyên truyền và tập huấn về phân loại rác gặp nhiều trở ngại.

Ông Lý Văn Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Bảo Tín, huyện Hóc Môn (đơn vị thu gom rác dân lập) chia sẻ: Hiện nay việc tham gia phân loại rác tại nguồn của đơn vị gặp vướng mắc ở phương tiện thu gom rác. Cụ thể, đơn vị có 146 xe nhưng hầu hết là xe thô sơ và chưa được bố trí hai ngăn để khi thu gom rác người dân đã phân loại. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số xe này cần nguồn vốn hàng chục tỷ đồng, do đó đơn vị không đủ kinh phí để đầu tư phương tiện. Hơn nữa, đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay còn thấp, không đảm bảo thu nhập của công nhân vệ sinh và đơn vị cũng không có kinh phí để đầu tư thay đổi phương tiện.

Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Thời gian tới, Thành phố sẽ xây dựng chiến lược tuyên truyền hiệu quả hơn, thường xuyên hơn và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, Sở được UBND Thành phố giao làm video clip để người dân tải về thiết bị di động xem những thao tác phân loại hết sức đơn giản. Đồng thời, triển khai các chính sách quản lý nhà nước, cũng như kiểm tra việc thực hiện các chính sách ở cơ sở và những người trực tiếp thực hiện nhằm giúp hiểu thông, hiểu rõ và nắm bắt những vấn đề vướng mắc để kịp thời giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cùng với đó, Sở và các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Ngoài ra, Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị mua xe, chuyển đổi phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với lãi suất vay ưu đãi 4,9%/năm cũng như cho vay kích cầu mua thiết bị.

Xử lý rác thải sinh hoạt là một nhu cầu của xã hội. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh với mật độ dân số cao, mỗi ngày xử lý 8.300 tấn rác và dự kiến quy hoạch đến năm 2020 xử lý khoảng 11.000 tấn. Do đó, đòi hỏi Thành phố phải tính toán từ bây giờ để việc xử lý rác ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, một thành phố đáng sống./.

VL