Một góc quận Thủ Đức nhìn từ trên cao (Ảnh: K.V)
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000ha, trong đó có những dự án đã sau 20 năm vẫn chưa khởi động. Đó là dự án Khu đô thị Đại học quốc tế tại huyện Hóc Môn, quy mô 900ha; Khu dân cư Tân Tạo và khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng ở huyện Bình Chánh, quy mô gần 500ha; dự án Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi với quy mô 450ha... , chính từ việc chậm hoặc chưa triển khai các dự án này đã ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người dân trên địa bàn Thành phố. Để giải quyết những quy hoạch kéo dài, Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố xử lý theo hướng dự án nào chậm triển khai có lý do chính đáng được thẩm định lại, rà soát hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc; dự án nào kéo dài nhưng không khả thi, ảnh hưởng tới người dân sẽ bị thu hồi, nghiên cứu điều chỉnh hoặc xóa bỏ.
Từ quyết tâm trên, đã có nhiều dự án “treo” ở TP.Hồ Chí Minh được điều chỉnh, hoặc xóa quy hoạch, mang lại niềm vui cho người dân trong vùng quy hoạch. Đó là việc Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh vừa chấp thuận điều chỉnh quy hoạch khu dân cư Him Lam và khu nhà ở Hạnh Phúc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Khu dân cư ấp 4 tại huyện Nhà Bè cũng được điều chỉnh từ đất chung cư cao tầng sang đất dân cư thấp tầng. Từ đó, những hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên sẽ được cấp phép xây dựng nhà ở khang trang, đồng thời cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch đô thị mang tính định hướng và dự báo trên cơ sở tích hợp các quy hoạch về kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực nhằm mục đích phát triển đô thị đảm bảo tính bền vững, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện, môi trường sống của người dân trong đô thị được tốt hơn. Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu 1/2000-1/5000 là cơ sở để xác định các khu vực phát triển đô thị, các dự án phát triển đô thị. Theo Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 thì Quy hoạch đô thị được định kỳ rà soát (3 năm đối với quy hoạch chi tiết 1/500, 5 năm đối với quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chung), để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội theo từng giai đoạn. Tất cả các đồ án quy hoạch đô thị (lập mới, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và cục bộ) đều được lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan; các đồ án sau khi được phê duyệt đều phải được công bố công khai cho người dân trong khu vực quy hoạch được biết và giám sát thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, việc điều chỉnh, rà soát quy hoạch định kỳ mỗi năm năm một lần, trong năm 2016, Uỷ ban nhân dân 24 quận, huyện của TP.Hồ Chí Minh đã tổng rà soát việc thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu tại các quận, huyện, lập danh sách đề xuất điều chỉnh. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành và quận huyện lập danh mục đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu vực, đường dự phòng thiếu tính khả thi, thiếu nguồn lực thực hiện, kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Hiện nay, Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch của các quận, huyện đã trình.
Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân Quận 9 và các sở, ngành có liên quan để tiến hành rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch trên địa bàn Quận 9. Trong đó có rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các khu vực có chức năng đất hỗn hợp và đất giáo dục theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn quận. Kết quả rà soát đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố thống nhất tại văn bản số 7244/UBND - ĐT ngày 12/12/2016. Theo đó có giao Ủy ban nhân dân Quận 9 tổ chức thông báo kết quả rà soát cho người dân và tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các khu vực thống nhất điều chỉnh./..