Theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh, trong năm 2016-2017, công tác cải cách hành chính của Thành phố được sự quan tâm, triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị của thành phố và sự giám sát chặt chẽ của người dân, phát huy sức mạnh “chung tay cải cách hành chính”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua còn một số hạn chế. Tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố trong một số lĩnh vực còn chậm, tiến độ cập nhật công bố thủ tục hành chính khi có sự thay đổi chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc minh bạch, công khai thủ tục hành chính và việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp bị chậm trễ. Số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông điện tử hiện đại còn ít so với số lượng thủ tục hành chính đang thực hiện. Một số chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước vẫn còn chồng chéo, vướng mắc và chưa phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm khi giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức, còn biểu hiện thái độ phục vụ chưa chuẩn mực. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được tiến hành thường xuyên, kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa đạt hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu công tác.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HĐND TP.Hồ Chí Minh trình bày tại Kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa IX sáng ngày 15/3, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 đạt trên 80%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính được giải quyết đạt trên 95%...

Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn (ảnh:VL)

“Tuy nhiên, việc tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp ở các đơn vị còn nặng về hình thức, chưa phản ánh thực chất sự hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công”, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Một ví dụ điển hình mà Ban Pháp chế đưa ra là, qua khảo sát các Kiosk - thiết bị cảm ứng khảo sát đánh giá sự hài lòng do Sở Y tế TP.HCM đặt tại các bệnh viện sẽ bị ngắt nối mạng sau 16 giờ 30 phút, vì vậy người bệnh khám ngoài giờ không thể thực hiện việc đánh giá sự hài lòng khi đến khám.

Bênh cạnh đó, giao diện khảo sát trên thiết bị còn phức tạp, có lúc bị treo làm mất thời gian của người dân. Các phiếu khảo sát định kỳ tại các đơn vị lại yêu cầu người dân điền thông tin cá nhân, điều này làm người dân e ngại khi thực hiện việc khảo sát hoặc làm cho xong và sẽ cho kết quả đánh giá sự hài lòng không khách quan.

Cũng theo Ban Pháp chế, việc thực hiện một cửa liên thông chỉ mới thực hiện tốt trong phạm vi nội bộ từng sở, ngành, quận-huyện; một số thủ tục giải quyết thường trễ hạn, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo, năm 2017 tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh còn 32.108 hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, sự phối hợp tại các cơ quan như ngành thuế, hải quan và một số cơ quan liên ngành Trung ương… còn chưa đồng bộ.

Đánh giá của UBND Thành phố cho rằng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là những nội dung có tính chất quyết định đến kết quả đánh giá, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp dành cho cơ quan nhà nước. Về nhân lực, cần đặc biệt chú trọng đến đội ngũ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (bộ phận tiếp nhận, trả kết quả, bộ phận giải quyết hồ sơ); đội ngũ cán bộ đầu mối về cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã.

Trong năm 2018, để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo của cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định của Thành phố đồng thời thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố.

Cùng với các giải pháp trên, Ban Pháp chế HĐND Thành phố đã đưa ra kiến nghị, cần tăng cường thanh tra công vụ, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, phiền hà người dân và xử lý nghiêm minh những cán bộ công chức vi phạm, nhằm đảm bảo sự trong sạch của bộ máy. Ngoài ra, đánh giá sự hài lòng của người dân phải đảm bảo hiệu quả, thực chất, không hình thức./.

VL