Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại cơ sở:
Vốn thích làm nông nghiệp công nghệ cao, anh Võ Hoàn Lực ở Phường An Phú Đông đã tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn với quy mô nhỏ trên diện tích đất 1.000 m2 của gia đình. Năm 2018, anh cùng với 5 người có chung chí hướng quyết định thành lập Tổ hợp tác An Nông Farm. Với vốn đầu tư ban đầu 2,2 tỷ đồng, hiện sau 01 năm thực hiện mô hình trồng rau thủy canh của anh Lực đã mang lại lợi nhuận.
Sau khi quyết định đầu tư vốn tham gia Tổ hợp tác, vợ anh Lực là chị Doãn Thị Hoài Thanh đã xin nghỉ việc tại ngân hàng để trở về làm rau công nghệ cao. Chị Thanh chia sẻ: Bản thân chị cảm thấy vui vì góp phần tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
Với diện tích 2.400 m2, trồng 10 loại rau, hiện mỗi tháng mô hình rau thủy canh An Nông Farm xuất ra thị trường 2 tấn rau.
Tổ hợp tác tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên là nông dân tại địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Dù đã 61 tuổi, có nhiều năm tham gia công tác xã hội tại phường Hiệp Thành, quận 12, bà Loan vẫn mạnh dạn vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, cùng sự giúp sức của Hội Nông dân phường để đầu tư trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP
Năm 2019, trang trại nấm của bà Loan đã cho thu hoạch, và sản lượng cung cấp ra thị trường hiện chưa đủ cho nhu cầu tiêu dùng của chính bà con trên địa bàn.
Hiện với hai loại nấm Linh chi và Bào ngư, Bà Loan mong muốn được thuê thêm quỹ đất, vay thêm vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô thêm 4.000 phôi nấm
Nhiều người bảo anh là “dở hơi” khi chở những gốc cây về xếp ở vườn, nhưng với niềm đam mê anh Trung đã cho mọi người thấy, chỉ cần có đam mê, có tâm huyết thì đều sẽ thành công.
Sau nhiều năm làm giàu từ trồng cây cảnh, năm 2017 anh Trung quyết định đầu tư 1,2 tỷ đồng trồng lan tại khu phố 7, phường Hiệp Thành.
Anh Trung chia sẻ: Chăm lan hay loại cây gì cũng vậy, đều đòi hỏi bạn để tâm trí, tình yêu thương thì sẽ cho hoa trái. Khi trồng lan anh phải đi học hỏi, tìm hiểu về đặc tính, để có cách chăm sóc cho từng loại lan.