Ảnh minh họa

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã trở thành một thiên sử vàng trong truyền thống đánh giặc, giữ nước hào hùng của dân tộc ta. Không những thế, nó còn mang ý nghĩa quốc tế lớn lao và tính thời đại sâu sắc, chứng minh cho tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân các dân tộc trên thế giới; làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc, làm lung lay vị trí chính trị của Mỹ trên thế giới. Tổng kết ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng vĩ đại trong mùa Xuân 1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng rực rỡ cho thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh và trí tuệ đó được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, được nâng lên trên một tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 được thể hiện trước hết ở tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư duy nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta. Đó là khả năng nắm bắt, phân tích và dự báo chính xác diễn biến của cuộc chiến tranh trên cơ sở của tư duy khoa học, đề ra quyết sách chiến lược đúng đắn, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh. Bản lĩnh và trí tuệ làm nên chiến thắng 1975 còn thể hiện ở năng lực tổ chức, chỉ huy và hành động sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của bộ đội và nhân dân trong thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng.

Một trong những sự kiện lịch sử dánh dấu sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết đoán của Đảng ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng với Tư lệnh các chiến trường diễn ra từ ngày 18-12-1974 đến ngày 08-01-1975. Trên cơ sở đánh giá chính xác sự chuyển biến mới về tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị đã sáng suốt nhận định thời cơ lịch sử đã xuất hiện và nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, quân và dân ta liên tiếp mở các chiến dịch: Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế và Đà Nẵng; kết hợp giữa tiến công của các quân đoàn chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, từ Trị - Thiên đến Nam Trung Bộ, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực của địch, tạo ra thế và lực mới hơn hẳn cho ta.

Với những thắng lợi giòn giã của “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 15 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, thực hiện khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc: thu giang sơn về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, năm cánh quân theo năm hướng thừa thắng xốc tới, kết hợp với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân tiến vào giải phóng Sài Gòn, đập tan sào huyệt cuối cùng của chính quyền phản động, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ vinh quang của Tổ quốc tung bay trước toà nhà chính của dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên xây dựng đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sức mạnh vĩ đại làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh vật chất của cả hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa dồn sức huy động cho chiến trường miền Nam; sức mạnh của sự ủng hộ và giúp đỡ kịp thời, đầy hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu giữa quân và dân ta với quân đội và nhân dân Lào, quân đội và nhân dân Campuchia anh em.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã cho chúng ta những bài học vô giá, trong đó bao trùm và trước hết là bài học về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,  chúng ta đã khơi dậy và phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, huy động được cao nhất sức mạnh của toàn dân, của cả dân tộc vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Đó còn là bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, luôn luôn kiên định mục tiêu cách mạng, nám vững chiến lược tiến công, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, chủ động tạo thời cơ và nắm chắc thời cơ, sử dụng tổng hợp bạo lực cách mạng để giành toàn thắng.

48 năm đã trôi qua, kể từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, trên đất nước ta đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ, nhưng tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn vang dội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, những bài học thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn đang có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh với những thời cơ và thách thức mới. Vận dụng bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện lịch sử mới, chúng ta cần phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, phát huy cao độ nội lực, lấy nội lực làm cơ sở cho việc chủ động phát huy ngoại lực, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước.

Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi trước hết phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ. Tinh thần đó phải được quán triệt sâu sắc ngay trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đến việc tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; trong giải quyết các mối quan hệ kinh tế của các cấp, các ngành. Tinh thần độc lập, tự chủ phải trở thành nét đặc trưng của phong cách tư duy kinh tế, tư duy chính trị của người lãnh đạo và của mọi công dân hiện nay. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, trước xu thế toàn cầu hoá kinh tế, nếu chúng ta không thường xuyên nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ thì dễ rơi vào tình trạng bị lệ thuộc về kinh tế, thậm chí dễ bị các nước tư bản chủ nghĩa chi phối, thao túng theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy cao độ nội lực không chỉ có ý nghĩa quyết định đến xu hướng vận động của nền kinh tế, của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà còn có ý nghĩa quyết định đến giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày nay, toàn cầu hoá kinh tế đang trở thành một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia.

Tuy vậy, toàn cầu hoá kinh tế đang bị một số nước tư bản chủ nghĩa phát triển và các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia chi phối theo ý đồ của họ. Cho nên, bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hoá kinh tế chứa đựng cả mặt tiêu cực, nó làm cho quan hệ chính trị quốc tế trở nên phức tạp hơn.

Tư duy chính trị đúng đắn của Đảng ta trước xu thế toàn cầu hoá kinh tế là chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đồng thời phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng toàn cầu hoá kinh tế để thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đương nhiên chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức, song nhất định không được mất cảnh giác, không được quên mặt trái của nó. Cần phải thống nhất nhận thức rằng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện cần thiết để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Song, đây cũng là một mặt trận đấu tranh quyết liệt giữa hai con đường, hai định hướng phát triển: xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Tiến hành cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chúng ta phải kiên quyết phê phán mọi biểu hiện thiếu trách nhiệm chính trị, bất chấp hệ quả chính trị trong các hoạt động kinh tế, nhất là trong hoạt động kinh tế đối ngoại với các nước tư bản chủ nghĩa.

Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần phải tăng cường và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ý chí quyết tâm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dựng nước đi đôi với giữ nước, đó là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ta từ thuở các Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh đã kiểm nghiệm và chứng minh quy luật đó. Vì vậy, trong khi đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước chúng ta phải thường xuyên tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nhằm đảm bảo cho đất nước ta luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống. Tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, trước hết và căn bản phải dựa trên cơ sở sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy được cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, cả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc. Ngày nay, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc vẫn là sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao trong điều kiện mới. Để tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đủ sức đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, chúng ta phải phát huy mọi nguồn lực của đất nước để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân.

Các nữ chiến sĩ mới học nhập môn KHXH&NV tại Trường Quân sự Quân khu 7.

Xây dựng quân đội về chính trị, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những cán bộ chính trị, chính uỷ, chính trị viên đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần thành sức mạnh vượt trội để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong đội ngũ những cán bộ chính trị, chính uỷ, chính trị viên ưu tú của quân đội ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có nhiều cán bộ được đào tạo và trưởng thành từ mái Trường Quân sự Quân khu 7.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nghiên cứu khoa học của Khoa khoa học xã hội và nhân văn, Trường Quân sự Quân khu 7 hiện nay là phải tiếp tục nghiên cứu, góp phần làm sâu sắc hơn, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa và nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vận dụng vào xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng con người, xây dựng nghệ thuật quân sự, phát triển năng lực tư duy, năng lực lãnh đạo, chỉ huy và kỹ năng hành động cho cán bộ, chiến sĩ.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện có sử dụng vũ khí công nghệ cao (nếu xảy ra), càng đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải nêu cao tinh thần và ý chí: quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng. Khoa học xã hội và nhân văn quân sự phải góp phần nghiên cứu, tìm ra lời giải đáp chính xác cho việc chuẩn bị và phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân và quân đội, làm cho mọi người vững tin vào thắng lợi của cách đánh, vào trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh kiểu mới của địch.

Thái độ và trách nhiệm đúng đắn với Đại thắng mùa Xuân 1975 còn đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ trong Trường Quân sự Quân khu 7 phải tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, còn phải tham gia có hiệu quả vào việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, giá trị truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho các giá trị truyền thống không ngừng được phát huy và trở thành sức mạnh chính trị - tinh thần của cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, Trường Quân sự Quân khu 7 nói riêng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thái độ và trách nhiệm đúng đắn với Đại thắng mùa Xuân 1975 còn đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ trong Trường Quân sự Quân khu 7 phải tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Sau 48 năm nhìn lại Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng, trong đó có sự đóng góp không ít công sức và cả xương máu của cha anh, lớp lớp cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ của Trường Quân sự Quân khu 7 anh hùng.

Tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những giá trị lịch sử mà các thế hệ người Việt Nam mãi mãi trân trọng, giữ gìn và phát huy, nhất là trong những thời kỳ khó khăn, phức tạp, những bước ngoặt của lịch sử. Trách nhiệm mà lịch sử trao lại cho thế hệ hôm nay chính là phải phát huy, phát triển sức mạnh của dân tộc với bản lĩnh và trí tuệ cao hơn để tạo nên những thắng lợi mới, những Đại thắng mùa Xuân mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

 

 

Thượng tá, ThS Nguyễn Đức Vinh - Khoa KHXH&NV, Trường Quân sự Quân khu 7