17:48 04/10/2024
print  

“Đặt hàng” chuyên gia phía Nam nghiên cứu phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phát triển đất nước

(ĐCSVN) - Hội nghị nhằm cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện, đầy đủ về nội dung, mục tiêu, định hướng của Chương trình KX.03/21-30: “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước”.

Chiều 4/10, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia mã số K.X.03/21-30 tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, trao đổi về Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia, giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước”.

PGS,TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trao đổi tại hội nghị.

 

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin, trao đổi một cách toàn diện, đầy đủ về nội dung, mục tiêu, định hướng của Chương trình KX.03/21-30: “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước”, đồng thời tăng cường giao lưu, trao đổi, phối hợp với các chủ nhiệm đề tài, Ban Chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” (gọi tắt là Chương trình), mã số KX.03/21-30 do Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký và ban hành ngày 20/6/2022 với mục tiêu nghiên cứu lý luận và thực tiễn về giá trị, hệ giá trị toàn cầu, hệ giá trị quóc gia, giá trị cốt lõi, nguồn lực nhân văn nhằm nhận diện giá trị, nguồn lực nhân văn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tại các địa phương, vùng miền, các tổ chức, nhóm, tầng lớp trong xã hội. Từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp để phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

GS,TS Võ Khánh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-30 cho biết, đây là chương trình mới, hướng đi mới cho giai đoạn mới. Các Nghị quyết của Đảng thời gian gần đây cũng nhấn mạnh phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận mới, phải bám sát “giá trị nhân văn”, cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu.

Theo GS,TS Võ Khánh Vinh, trong 2 năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến Chương trình đã được đề xuất, triển khai. Tuy nhiên, hầu hết các đề tài tập trung ở khu vực phía Bắc, trong khi ở phía Nam chưa nhiều, nhất là miền Trung khá ít. Ban Chủ nhiệm Chương trình muốn lan tỏa chương trình nhằm phát huy nghiên cứu các giá trị và nguồn lực nhân văn ở phía Nam.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-30 đặt hàng 19 nhiệm vụ nghiên cứu (đợt 1), tập trung vào ba nhóm lĩnh vực: Các vấn đề lý luận và thực tiễn về giá trị phục vụ phát triển đất nước (5 nhiệm vụ); các vấn đề lý luận và thực tiễn về nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước (4 nhiệm vụ); nhận diện và phát huy giá trị, nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển vùng, miền, địa phương (6 nhiệm vụ); nhận diện và phát huy giá trị, nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển ngành và lĩnh vực (4 nhiệm vụ).

Theo đại diện Trường Đại học Văn hóa TP  Hồ Chí Minh chia sẻ, khi nghiên cứu các vấn đề ở các vùng (theo vùng kinh tế), cần có sự thông tin đầy đủ trong Chương trình để tránh trùng lặp vấn đề. Bên cạnh đó, các đề tài cần tập trung nghiên cứu theo hướng liên vùng, nhưng nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần có sự liên kết với khu vực Tây Nguyên…

Cũng tại Hội nghị, PGS,TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã phổ biến, giới thiệu về Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (KC.15/21-30)./.

An Nhiên