Bàn giao nhà cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại Ninh Thuận.

 

Thực hiện Kế hoạch số 488/KH-ĐCT ngày 15/04/2024 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai một số hoạt động truyền thông Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại các tỉnh, thành phía Nam năm 2024 (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án 8 được thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, những nội dung của chuỗi các hoạt động truyền thông Dự án 8 tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận bao gồm giới thiệu, truyền thông Dự án 8; Trưng bày các sản phẩm truyền thông như: phim, sách lật điện tử, tờ gấp, câu chuyện truyền thanh, bản tin phát thanh và các sản phẩm quà tặng của chương trình nhằm chuyển tải các nội dung Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đến với đông đảo phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Giao lưu “Gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu”. Thông qua chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò, vị trí của gia đình và trách nhiệm của các thành viên trong vun đắp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây cũng là dịp để các gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mỗi gia đình, mỗi hội viên phụ nữ tham gia trong chương trình sẽ là những nhân tố tích cực, quan trọng trong bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, bản sắc dân tộc, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, góp phần thay đổi các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tham gia xây dựng đời sống văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, “thay đổi nếp nghĩ cách làm” cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cùng với đó là giao lưu tìm hiểu kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua trò chơi thực tế “Đuổi hình bắt chữ” với sự tham gia của các gia đình dân tộc thiểu số, hội viên phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham dự chương trình; Biểu diễn nghệ thuật sân khấu (kịch nói) tuyên truyền nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Phụ nữ đồng dân tộc thiều số miền núi. Thông qua hình thức nghệ thuật sân khấu, vở kịch “Vượt qua cửa tử” do Nghệ sỹ ưu tú - Đạo diễn, diễn viên Ngô Phạm Hạnh Thúy biên kịch và đạo diễn cùng sự tham gia diễn xuất của các nghệ sỹ nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp kiến thức; tuyên truyền phụ nữ sinh đẻ an toàn... Bên cạnh đó còn chuyển tải các thông điệp về văn hóa ứng xử, sự yêu thương, sẻ chia, cùng chung tay vun đắp gia đình bình an, xây dựng xã hội hạnh phúc. Việc sử dụng hình thức sân khấu hóa trong hoạt động truyền thông giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… từ đó giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm một cách hiệu quả. Đồng thời trình chiếu video kịch ngắn “Đừng im lặng” tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc do nhóm kịch Hạnh Thúy - TP Hồ Chí Minh xây dựng kịch bản và thực hiện.

Chương trình trao yêu thương vừa tổ chức tại Ninh Thuận.

 

Chuỗi truyền thông còn tổ chức chương trình “Tiếp sức cho em đến trường”, theo đó Ban CTPN tiếp tục kết nối, trao tặng 07 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) cho 7 sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn học khá, giỏi năm học 2023-2024”. Đây là năm thứ 2, Ban CTPN kết nối, trao tặng học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó. Bàn giao công trình nước sạch học đường- Hệ thống lọc nước RO cho các em học sinh trường tiểu học Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Công trình là hệ thống máy lọc nước bán công nghiệp RO có công suất 500lít/giờ, sử dụng nguồn nước từ giếng khoan qua hệ thống lọc 3 tầng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; Công trình “Nước sạch học đường” không chỉ đem lại nguồn nước uống an toàn mỗi ngày cho học sinh và giáo viên trên địa bàn, mà còn góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm nguy cơ các bệnh lây truyền qua nước uống như tiêu chảy, lỵ, sốt thương hàn, nhiễm khuẩn E.Coli và nhiều bệnh khác. Đồng thời tạo ra các giải pháp về sức khỏe và giáo dục nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình cũng đã trao tặng 100 phần quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Trong chương trình “Trao yêu thương”, Ban CTPN cũng trao 02 Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; tặng 300 phần quà cho 300 gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Được biết, Chương trình do Ban Công tác phía Nam- Hội LHPN Việt Nam phối hợp Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Cùng các đơn vị đồng hành như: Quỹ Bàn Tay ấm Nhà hàng Khải Phương, Tổng Công ty May Nhà Bè, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam... đã thu hút hơn 300 phụ nữ và 100 em học sinh tham gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 500 triệu đồng chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa./..

PV