Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục với quy mô kinh tế, quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa lớn nhất của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với tổng diện tích 2.061 km2. Năm 2022, theo thống kê dân số thành phố Hồ Chí Minh khoảng 9.720.800 người và là địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước; Thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành ước đạt là 1.479.227 tỷ đồng, đóng góp vào quy mô GDP cao nhất của cả nước với 15,55% và chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Về mặt hành chính, Thành phố được chia thành 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện. Trong đó có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Ngày 24/11/2017, Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tăng thêm quyền hạn cho chính quyền thành phố trong một số lĩnh vực. Mặc dù vậy quá trình phát triển của Thành phố vẫn gặp phải một số khó khăn, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24/11/2017, của Quốc hội, “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục qua các năm, ngoại trừ giai đoạn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tính theo GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010 là 11,4%, giai đoạn 2011 - 2015 là 9,6%; tính theo GRDP, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 là 7,2%, giai đoạn 2016 - 2020 là 6,4%. Thành phố đã từng bước đổi mới, cải thiện chất lượng mô hình tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; các mô hình kinh doanh mới hình thành trong xu hướng số hóa kinh tế. Thành phố giữ tỷ trọng từ 40% đến 50% thị trường thương mại điện tử của cả nước, giá trị giao dịch lên đến 4,03 tỷ USD (tương đương khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ),…

Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên. Thành phố cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Ngoài ra, Thành phố còn chú trọng đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện mở rộng xuất, nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố tăng từ 28,18 tỷ USD năm 2011 lên 40,29 tỷ USD năm 2021, tương đương 1,43 lần. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng từ 27,39 tỷ USD năm 2011 lên 52,74 tỷ USD năm 2021, tương đương 1,93 lần. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tổng FDI đăng ký năm 2011 đạt 3,14 tỷ USD, đến năm 2019 đạt 8,33 tỷ USD; năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tổng FDI Thành phố vẫn đạt 5,22 tỷ USD, năm 2021 tăng lên 7,18 tỷ USD.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII được các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị toàn Thành phố triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng không ngừng được đổi mới; công tác cải cách hành chính được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực gắn với triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy tốt hơn chức năng giám sát, vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.

Tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả

 

Trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đan xen, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố cũng bộc lộ một số hạn chế. Tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố. Ngoài ra, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, chậm so với kế hoạch và hiệu quả chưa cao. Đến nay còn một số nội dung chưa thực hiện được, hoặc chậm thực hiện so với kế hoạch, chưa phát huy hiệu quả.

Với tính chất mở của hoạt động kinh tế, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thành phố chịu ảnh hưởng ngày càng trực tiếp bởi biến động từ các thị trường đối tác nói riêng và tình hình thế giới, khu vực nói chung; các đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đề ra trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 “chưa có bứt phá”, vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc phát triển, bứt phá, hoàn thành sứ mệnh đầu tầu, dẫn dắt nền kinh tế. Song thực tế, kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có nhiều nguyên nhân lý giải, nhưng những “điểm nghẽn” trong hoạt động quản lý nhà nước ở Thành phố trong thời gian qua chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng- Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho rằng: Những cơ chế, chính sách mới, vượt trội ở Thành phố Hồ Chí Minh đang được vận hành bằng bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp tương đồng như các địa phương khác trong cả nước, điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho Thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Việc chia đều về cơ bản cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ, công chức và đầu mối làm việc, chủ yếu dựa trên tiêu chí của một đơn vị hành chính thông thường mà ít chú ý đến các yếu tố như: Đặc điểm địa bàn quản lý; Quy mô dân số và mật độ dân cư; Mức độ và mật độ sôi động của hoạt động kinh tế địa phương… tất yếu sẽ dẫn đến sự bất cập trong thực tiễn quản lý của chính quyền địa phương, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, về góc độ bao quát toàn tỉnh, thành phố. Cũng là cấp tỉnh/thành phố, nhưng nếu so sánh Thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố trực thuộc Trung ương trên một số khía cạnh sẽ thấy sự khác biệt. Theo số liệu thống kê, năm 2021, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương vượt trội so với cả nước trên một số phương diện. Đơn cử, dân số Thành phố Hồ Chí Minh là 9.166,8 nghìn người, Đà Nẵng và Cần Thơ lần lượt là 1.195,5 nghìn người và 1.247 nghìn người; số đơn vị hành chính cấp huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ tương ứng là 22, 8, 15 và 9 đơn vị. Tuy nhiên, việc bố trí các cơ quan hành chính, định mức số lượng các biên chế cơ bản cũng tương tự với các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí không quá khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác.

Thứ hai, có sự khác biệt và bất hợp lý về số lượng biên chế trong bản thân nội tại các đơn vị hành chính thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ so sánh riêng đối với 5 huyện ngoại thành có thể thấy sự khác biệt rất lớn đối với các đối tượng quản lý. Nếu như huyện Nhà Bè, Cần Giờ chỉ có 7 đơn vị, thì Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn lần lượt có đến 21, 16 và 12 đơn vị, nhưng tổ chức bộ máy và định biên chế cơ bản giống nhau; Về quy mô dân số của nhiều xã rất cao, mật độ dân cư lớn như huyện Bình Chánh (3 xã trên 100 nghìn người như xã Bình Hưng 106.156 người; xã Vĩnh Lộc B 122.142 người; xã Vĩnh Lộc A, 164.267 người), Hóc Môn (4 xã trên 75 nghìn người bao gồm: xã Xuân Thới Thượng 81.781 người; xã Đông Thạnh 83.160 người; xã Thới Tam Thôn 85.293 người; xã Bà Điểm 96.388 người), Củ Chi (3 xã trên 50 nghìn người bao gồm: xã Tân Phú Trung 50.913 người; xã Tân Thông Hội 52.299 người; xã Bình Mỹ 52.302 người) và Nhà Bè (1 xã Phước Kiểng 60.898 người). Tổ chức bộ máy và biên chế các xã này cũng cơ bản tương tự các xã có dân số và quy mô công việc ít. Thực tiễn này dẫn đến bất cập lớn, không tạo sự chủ động cho chính quyền Thành phố và huyện trong việc điều tiết và bố trí cán bộ để thực hiện công việc.

Thứ ba, hiện nay, quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số tự nhiên, cơ học ngày càng tác động mẽ đến đối tượng quản lý của các địa phương. Trong khi đó, các địa phương vẫn thực hiện chính sách, quy định tinh giản biên chế, tinh gọn đầu mối theo chủ trương chung của toàn quốc dẫn đến bất cập trong quản lý, quá tải công việc, áp lực công việc đối với cán bộ, công chức. Dân số của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 là 8.136,3 nghìn người, tăng lên 9.166,8 nghìn người vào năm 2021, nếu tính số chưa đăng ký hộ khẩu thậm chí dân số của Thành phố hiện nay ước tính khoảng 14 triệu người, trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức của Thành phố không có nhiều sự thay đổi qua các năm. Năm 2015 là 8.224.000 người, năm 2021 là 9.166.800 người

Thứ tư, Thành phố Hồ Chí Minh có sự khác biệt tiên phong so với các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam là việc thành lập Thành phố trong thành phố - Thành phố Thủ Đức. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, khối lượng công việc tham mưu giúp việc của Ủy Ban nhân dân Thành phố Thủ Đức năm 2020 cao hơn xấp xỉ gấp đôi so với khối lượng công việc tại các ủy ban nhân dân quận, huyện khác, chiếm 15% tổng số khối lượng công việc cần phải xử lý tại khối quận, huyện của Thành phố. Ước tính khối lượng công việc của thành phố Thủ Đức cao hơn so với chính mình khoảng 2% so với năm 2020. Có thể thấy, nếu khối lượng công việc của toàn thể khối quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 là 1.610.483 thì trong đó, riêng Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức là 208.218, các quận, huyện còn lại là 1.402.265. Như vậy, riêng Thành phố Thủ Đức chiếm 13% khối lượng công việc trong khối Ủy ban nhân dân của Thành phố Hô Chí Minh. Việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận Thủ Đức, quận 9  và quận 2 thành một đơn vị hành chính mới - thành phố trực thuộc thành phố song về mặt cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ công chức hiện tại vẫn được định mức tương tương chính quyền cấp quận, huyện trực thuộc Thành phố dẫn đến điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính và triển khai công việc của Thành phố còn nhiều khó khăn trong khi khối lượng công việc sẽ tăng lên gấp 3 lần.

Thứ năm, sức ép và tính cạnh tranh giữa nguồn lao động ở khu vực công và tư rất lớn, đặc biệt với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh sự cạnh tranh này càng phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động về biên chế, cần có sự chủ động trong điều tiết thu nhập cho cán bộ, công chức trong khối khu vực công để bảo đảm cuộc sống, yên tâm công tác. Những khó khăn, thách thức này sẽ làm ảnh hưởng đến sự chuyên tâm và tập trung công việc của cán bộ, viên chức các đơn vị ở Thành phố Hồ Chi Minh. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc./.

CM