Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về “Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, thông qua hoạt động của các Ban thanh tra Nhân dân (Ban TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban GSĐTCĐ) theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Căn cứ Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, ngay từ đầu quý IV hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã dự thảo Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau trên cơ sở thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố và các cơ quan có liên quan về các nội dung phối hợp giám sát, để trình Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến. Trên cơ sở kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Thành phố ban hành chính thức kế hoạch giám sát gửi đến các tổ chức chính trị - xã hội thành phố nhằm phối hợp tổ chức thực hiện trong năm sau.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã giám sát đối với 594 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã kiến nghị 103 nội dung có liên quan đến các văn bản đã giám sát. Tổ chức giám sát thông qua thành lập Đoàn với 1.085 cuộc, với các nội dung như giám sát công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; Giám sát công tác quản lý và cấp phép xây dựng trên địa bàn; Giám sát thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn; Giám sát lập lại trật tự lòng đường, lề đường, mỹ quan đô thị…Các cuộc giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp Thành phố đều mời Thường trực Hội đồng Nhân dân và các Ban của Hội đồng Nhân dân cùng cấp tham gia. Nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo quy định, nhiều kiến nghị được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Chính quyền Thành phố khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức Chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” được thông qua tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20 tháng 8 năm 2021 về lãnh đạo thực hiện Đề án, đây là văn bản quan trọng, là cơ chế, giải pháp để hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đặc biệt khi thực hiện Chính quyền đô thị. Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Đề án 06 là đưa nội dung thực hiện các kết luận sau giám sát vào đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm và không đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với tập thể, cá nhân không thực hiện những kiến nghị sau giám sát, đồng thời quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân cùng cấp tổ chức Hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với Phường, hàng quý đối với Quận, đây là hình thức, giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. Song song đó, nhằm tăng cường giám sát đối với Cấp ủy và các cơ quan chuyên môn của Cấp ủy, Đề án cũng phân ra 02 giai đoạn để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó giai đoạn 2021 – 2025: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát Ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban Nhân dân cấp dưới; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cùng cấp; người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp dưới, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; Giai đoạn 2025 – 2030: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Nhân dân cùng cấp; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cùng cấp; người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban Nhân dân cùng cấp, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy đến nay, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tổ chức 333 cuộc giám sát chuyên đề, phối hợp với Ủy ban Nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với Phường, hàng quý đối với Quận, qua đó đã tổ chức 1.182 Hội nghị nhân dân, có 104.568 lượt người tham dự, có 11.182 lượt ý kiến tập trung các nội dung như thực hiện chính quyền đô thị, bảo dưỡng camera an ninh, sắp xếp khu phố, tổ dân phố, cải tạo tuyến đường, tuyến hẻm, an ninh trật tự, môi trường, trật tự lòng lề đường, xây dựng, công tác vận động Nhân dân...
Với mục đích để trao đổi kinh nghiệm trong công tác giám sát giữa Hội đồng Nhân dân Thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng Nhân dân Thành phố với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố tổ chức Tọa đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát năm 2023. Tọa đàm tập trung đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng Nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố được hiệu quả, thiết thực.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố về công tác tiếp xúc cử tri, qua đó hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cùng cấp thực hiện việc tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với các nội dung như: phối hợp xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri; chuẩn bị tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền ở địa phương để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung, thời gian, địa điểm các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân với cử tri; thành phần và số lượng cử tri tham dự; trình tự hội nghị tiếp xúc; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri... đồng thời, chuyển và giám sát việc trả lời kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề cử tri đã kiến nghị.
Trước và sau kỳ họp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp Thành phố đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thành phố Thủ Đức có văn bản gửi các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, đồng thời theo dõi, giám sát kết quả giải quyết. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thành phố Thủ Đức và việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các hình thức khác, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng của thành phố đề nghị xem xét giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng. Đối với các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổng hợp gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xem xét, kiến nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phạm Minh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.
Qua đó theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân tổ chức được 1.035 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 63 cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú, 13 cuộc tiếp xúc cử tri nơi làm việc, 32 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng...; đã có 134.550 lượt cử tri tham dự với 12.420 lượt ý kiến tham gia phát biểu. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp 5.550 nhóm kiến nghị cử tri thành phố gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành; đồng thời nhận được 1.780 văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng, qua đó kịp thời thông tin đến cử tri đã có ý kiến kiến nghị.
Nhìn chung, công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố với Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố trong thực hiện hoạt động giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri ngày càng có chất lượng, chặt chẽ, đồng bộ; thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Thành ủy, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, tăng cường tinh thần trách nhiệm, tính hiệu quả của mỗi bên; qua đó hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ để mỗi bên triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác phối hợp, tổ chức để đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa làm tốt việc thông báo rộng rãi nên có những cuộc tiếp xúc, cử tri tham dự ít, việc xử lý các tình huống nhạy cảm phát sinh tại hội nghị tiếp xúc có nơi còn lúng túng, việc phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri theo giới, ngành, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng chưa nhiều; tình trạng “cử tri chuyên nghiệp” “cử tri đại diện” vẫn còn phổ biến ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri.
Qua công tác phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, Đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố rút ra một số kinh nghiệm sau:
Công tác phối hợp giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố luôn bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy để có sự điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.
Đồng thời duy trì chế độ thông tin giữa hai đơn vị nhằm tạo sự thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến công tác phối hợp.
Cuối cùng duy trì việc tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố hằng năm để kịp thời đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới./.